Đại dịch Ebola bùng phát do tục lệ ôm hôn người chết

ANTĐ - Dân trí của các nước châu Phi chính là một trong những lý do khiến cho dịch Ebola bùng phát nhanh. Họ có thói quen chạm vào người chết khi chôn cất, khiến virus lây lan mạnh trong các đám tang. Việc điều trị cũng gặp khó khăn khi người ta tin vào những ông thầy cúng hơn là bác sỹ.

“Dịch Ebola là bịa đặt”

Mỗi khi dịch Ebola bùng phát, khi các nhân viên y tế tiếp cận với người dân địa phương phần lớn vấp phải sự phản kháng, thậm chí còn đe dọa bằng bạo lực. Theo hãng tin Reuters, ở Sierra Leon, nơi đã có hơn 500 người chết vì dịch bệnh, người dân coi việc bị đưa vào bệnh viện vì dịch bệnh là có án tử hình. Tại một số vùng ở Guine, người dân dựng rào ngăn cản các nhân viên y tế vào làng. Ở Liberia, có vùng người dân dùng dao, gây gộc xua đuổi những bác sĩ vào làng để cách ly người bệnh.

Mới đây nhất ngày 17-8, một đám đông đã tấn công một trung tâm điều trị dịch Ebola tại ngoại ô Thủ đô Monrovia, Liberia. Họ đã dùng gạch đá ném vào trạm xá này, nơi các nhân viên y tế dựng lên để điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola trước khi chuyển họ tới bệnh viện. “Họ đem tất cả bệnh nhân đi” - một nhân viên y tế than vãn. 17 người dương tính với virus Ebola đã được những kẻ tấn công “giải thoát” và quay trở về cộng đồng.

Bị kỳ thị

Một trong những điều nguy hiểm mà cả những người nhiễm virus Ebola và may mắn sống sót là sự kỳ thị của cộng đồng. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là các nhân viên y tế. 

Trong các đợt dịch bùng phát trước đây, một số bệnh nhân nhiễm virus Ebola may mắn chữa khỏi bệnh khi quay trở lại cuộc sống đã gặp phải không ít khó khăn. Họ bị cộng đồng xa lánh, thậm chí có cả người thân, một số khác không thể tìm được việc làm… 

Trong đợt bùng phát dịch vào năm 2000 - 2001 ở Uganda, toàn bộ tài sản và nhà cửa của những bệnh nhân mắc Ebola đã bị đốt cháy. Hay trường hợp một bệnh nhân trong đợt dịch năm 1995 - 1997 tại Gabon đã chia sẻ với BBC về những năm tháng sống vô cùng khó khăn do nhiễm phải virus Ebola. Anh đã bị mọi người xa lánh, vẫy xe taxi bị từ chối và tại các chốt kiểm tra, cảnh sát cũng bỏ qua khâu kiểm tra chứng minh thư nhân dân của anh vì sợ bị nhiễm bệnh.

Do tục lệ ôm hôn người chết

Phong tục tổ chức tang lễ cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh Ebola lây lan nhanh. Bởi theo phong tục, các gia đình tổ chức tang lễ cho bệnh nhân tử vong lại yêu cầu mọi người chạm vào thi thể người bệnh. Với các quốc gia như Liberia và Sierra Leone, nghi thức tôn giáo bắt buộc khi khâm liệm người chết là người sống sẽ tắm rửa, thậm chí là hôn người chết. Nếu một người chết vì Ebola thì cơ thể của họ sẽ có lượng virus rất cao.

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tìm đến cách chữa trị của các lang băm, khiến dịch bệnh càng lây lan nhanh chóng. Những lang vườn này đã thực hiện cắt lớp da bệnh nhân và nhiều biện pháp can thiệp thiếu an toàn khác. Ngay cả cơ sở hạ tầng y tế tại một số quốc gia có số bệnh nhân nhiễm virus Ebola đông cũng rất tồi tàn.

Thêm nữa người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo của WTO “không ăn thịt sống”. Bởi con người có thể bị nhiễm virus Ebola khi tiếp xúc gần với máu, dịch tiết, các cơ quan hoặc những chất dịch khác của động vật bị nhiễm bệnh. Ở châu Phi, đã có trường hợp bị nhiễm bệnh khi xử lý những động vật đang bị  bệnh hoặc đã chết vì nhiễm bệnh trong rừng như: tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, linh dương, nhím…