Đại dịch Covid-19 khoét sâu sự bất bình đẳng trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn tồn tại từ lâu trên thế giới, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và xã hội. Cụ thể, những hộ gia đình nghèo nhất chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19 và những hậu quả đối với giáo dục có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.
Tình trạng thất nghiệp của nhiều quốc gia do đại dịch Covid-19 không chỉ phơi bày sự bất bình đẳng trong xã hội, mà còn cho thấy khoảng cách về giới còn rất nặng nề

Tình trạng thất nghiệp của nhiều quốc gia do đại dịch Covid-19 không chỉ phơi bày sự bất bình đẳng trong xã hội, mà còn cho thấy khoảng cách về giới còn rất nặng nề

Sự phân cực gia tăng, sự xói mòn niềm tin

Báo cáo của IMF cũng chỉ rõ dịch bệnh đã phơi bày và làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và khả năng tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản như chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng tại các nước trên thế giới. Theo IMF, sự gián đoạn trong hoạt động giảng dạy đe dọa đến việc dịch chuyển xã hội, tức là sự thay đổi địa vị, tầng lớp của con người trong xã hội, gây ra những tác động trong thời gian dài đối với trẻ em và trẻ vị thanh niên, đặc biệt là những đối tượng trong các gia đình nghèo khó. Báo cáo này cho rằng việc ngày càng phụ thuộc vào công việc và học tập bằng hình thức kỹ thuật số sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo càng rộng thêm, cản trở những lao động tay nghề thấp có được việc làm.

Trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng, xã hội có thể chứng kiến sự phân cực gia tăng, sự xói mòn niềm tin đối với Chính phủ và gia tăng bạo loạn xã hội. Thông qua báo cáo này, IMF cũng kêu gọi tăng thuế và cải thiện việc thu thuế nhằm bổ sung ngân sách, qua đó có thể nâng cấp hệ thống an sinh xã hội. Thực tế, các nước có thể tăng thuế đối với những người giàu nhất, xóa bỏ khoảng cách cũng như hiện đại hóa chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn thu để đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chương trình tiêm chủng và tìm kiếm việc làm.

Báo cáo cũng đề xuất Chính phủ các nước có thể cân nhắc kêu gọi những hộ gia đình có thu nhập cao đóng góp cho quỹ tạm thời để khôi phục sau đại dịch. Theo IMF, việc sử dụng nguồn quỹ này cho các chương trình an sinh xã hội quan trọng có thể tạo ra tác động mạnh khi mà có tới 6 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển và mới nổi có nguy cơ phải bỏ học trong năm 2021. Báo cáo chỉ rõ, nếu các nước tăng 1% GDP cho giáo dục có thể giúp thu hẹp gần 33% khoảng cách nhập học giữa người nghèo nhất và người giàu nhất.

Những hộ gia đình nghèo nhất chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19 và những hậu quả đối với giáo dục có thể kéo dài trong nhiều năm nữa

Những hộ gia đình nghèo nhất chịu tác động rất nặng nề từ đại dịch Covid-19 và những hậu quả đối với giáo dục có thể kéo dài trong nhiều năm nữa

Những mảng tối bất bình đẳng giới

Trong một khía cạnh khác, các đợt phong tỏa quốc gia do dịch Covid-19 đang làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới, phụ nữ đang phải trả giá rất đắt về công việc xã hội, sức khỏe, gia đình, bạo lực hôn nhân, việc nhà. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 hơn 1 năm qua đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nữ giới trên toàn cầu. Câu chuyện bất bình đẳng giới thường được nghe thấy tại các nước chậm phát triển ở châu Phi hay châu Á, nay, vì virus SARS-CoV-2, đang trở thành vấn đề nổi cộm tại nhiều nước phát triển châu Âu. Các đợt phong tỏa quốc gia làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Công việc xã hội, sức khỏe, gia đình, bạo lực hôn nhân, việc nhà..., phụ nữ có lẽ đang phải trả giá rất đắt.

Khi Chính phủ Pháp quyết định phong tỏa quốc gia lần thứ 2, việc đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch, khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp nhỏ. “Đặc biệt đối với phụ nữ ở Pháp, 84% nhân viên khách sạn, 64% nhân viên bán hàng và 57% nhân viên phục vụ là phụ nữ” - Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGE) báo cáo. Trong khi đó, phụ nữ thường khó tìm được việc mới hơn, sau thời gian phải nghỉ làm vì công ty cũ phá sản, hoặc để gánh vác những trách nhiệm gia đình.

Thống kê của EIGE cho thấy 1/10 phụ nữ ở Liên minh châu Âu (EU) làm việc bán thời gian hoặc không làm việc vì trách nhiệm gia đình, so với 1/100 đàn ông. Ông Massimiliano Mascherini thuộc Tổ chức châu Âu về cải thiện điều kiện sống và làm việc, gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng tác động tàn khốc của Covid-19 “đang gây nguy hiểm cho những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới trong 10 năm qua ở châu Âu”, nhất là trong bối cảnh tổng mức lương trung bình theo giờ của nữ giới vẫn thấp hơn 15% so với nam giới trong Khu vực đồng tiền chung Euro.

Liên hợp quốc ghi nhận phụ nữ đứng ở tuyến đầu trong chiến dịch ứng phó với đại dịch Covid-19, đóng góp hiệu quả vào đẩy lùi đại dịch ở các vị trí khác nhau như nhân viên y tế, người chăm sóc, người sáng tạo, nhà tổ chức cộng đồng và các nhà lãnh đạo quốc gia. Những lãnh đạo nữ và các tổ chức của phụ nữ đã thể hiện kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và phát huy mạng lưới lãnh đạo hiệu quả trong ứng phó với Covid-19 và nỗ lực phục hồi.

Các nữ lãnh đạo đứng đầu Chính phủ ở Đan Mạch, Ethiopia, Phần Lan, Đức, Iceland, Na Uy, New Zealand, Slovakia... đã được hoan nghênh vì nhanh chóng, quyết đoán và hiệu quả trong lãnh đạo đất nước ứng phó với Covid-19 cũng như ứng phó với các tác động về y tế và kinh tế - xã hội của đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo thêm những rào cản mới, làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng về kinh tế - xã hội, ngoài những rào cản xã hội và hệ thống đã có từ lâu.

Phụ nữ ở nhiều nơi đang phải đối mặt với những mảng tối của bất bình đẳng giới khi bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói. Phụ nữ đang chiếm phần lớn ở tuyến đầu chống đại dịch, nhưng chưa được đại diện một cách tương xứng ở những vị trí liên quan đến chính sách Covid-19 ở trong nước và trên toàn cầu. Khi Covid-19 đang khiến nữ giới có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, xây dựng một tương lai bình đẳng mang tính bền vững trở thành trách nhiệm toàn cầu.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giới trong thị trường lao động của khu vực, kéo hàng triệu phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động và đảo ngược những tiến bộ trước đó. Đại dịch Covid-19 càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới - một vấn đề kinh niên của khu vực, và đặt ra thách thức to lớn với những người xây dựng chính sách lao động. Đại dịch cũng làm gia tăng căng thẳng liên quan đến việc dung hòa giữa công việc và trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, việc quá tải với công việc nội trợ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý xã hội và hiệu quả công việc của họ, khiến việc phát triển chuyên môn trở nên khó khăn hơn”.

Ông Vinícius Pinheiro (Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe)

Liên minh châu Âu (EU): Theo báo cáo mới nhất về bình đẳng giới, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Có thể mất nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để vượt qua những bước thụt lùi trong bình đẳng giới do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): Tác động của đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2020 tăng từ 10,3% lên 12,1% - cao hơn mức thất nghiệp trung bình chung của khu vực (10,7%). Điều này đồng nghĩa với việc có thêm khoảng 1,1 triệu phụ nữ gia nhập lực lượng thất nghiệp nữ, nâng tổng số lên 13,3 triệu người. Dữ liệu của ILO chỉ ra rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trên thế giới đã chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục 5,4%, xuống chỉ còn 46,4% trong năm 2020. ILO kêu gọi Chính phủ các quốc gia trong khu vực xây dựng các kế hoạch phục hồi việc làm sau đại dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp đặc biệt hỗ trợ phụ nữ trở lại làm việc.