Đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ để...trả giá

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sáng 21-11, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cho rằng, có hiện tượng đại biểu cứ phát biểu thảo luận ở tổ, hội trường, tranh luận sôi nổi nhưng khi tiếp thu một số cơ quan chủ trì đọc một văn bản soạn sẵn. Nhiều đại biểu hoài nghi “văn bản này được soạn thảo từ khi nào, có phải trước khi đại biểu phát biểu không?

Đại biểu cứ phát biểu, cơ quan chủ trì vẫn đọc văn bản soạn sẵn

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc xây dựng Luật, Pháp lệnh hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được một số bất cập song tính hiệu lực, hiệu quả chưa rõ. Nguyên nhân chính xuất phát từ năng lực của các cơ quan chủ trì.

“Thời gian qua việc tiếp thu chỉnh lý, dự thảo luật đã thực chất chưa? Có tiếp thu được đầy đủ ý chí, chính kiến của nhân dân, Đại biểu Quốc hội không? Đây là vấn đề cần được thẳng thắn nhìn nhận để đổi mới trong cách thức làm luật” – Đại biểu Quyết Tâm đặt câu hỏi.

Vị Đại biểu này tiếp tục phân tích, khi tham gia dự án luật nào đó chúng ta tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị của đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến của nhân dân qua nhiều hình thức nhưng việc tiếp thu ý kiến nào không được phân minh gây lãng phí nguồn lực trí tuệ của nhân dân, của Đại biểu Quốc hội rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) phát biểu thảo luận

Ngoài ra, còn có hiện tượng đại biểu cứ phải biểu thảo luận ở tổ, hội trường, tranh luận sôi nổi nhưng khi tiếp thu một số cơ quan chủ trì đọc một văn bản soạn sẵn.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Quốc hội còn có đổi mới là xin ý kiến đại biểu về những vấn đề có quan điểm khác nhau. “UBTVQH cần thực hiện điều này một cách thực chất hơn nữa, để mỗi đại biểu nhận thức được rằng đây là việc rất quan trọng, cần phải quan tâm tham gia” – Đại biểu Quyết Tâm nêu quan điểm.

Kết thúc phần phát biểu, vị Đại biểu này đề nghị cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm tới cùng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của mình.

80% bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội?

Cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng, bản chất của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật là việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và được thể hiện trong dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua còn không tiếp thu thì sẽ đề cập trong bản giải trình.

“Thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian qua cho thấy có đến 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu. Khi đó, các đại biểu trở thành người đi chợ để trả giá còn việc có bán hay không, có đồng ý hay không lại thuộc quyền của họ” – Đại biểu Bộ nói.

Theo Đại biểu Bộ, còn một điều đáng buồn nữa là có vị lãnh đạo Bộ gây sức ép với Đại biểu Quốc hội khi Đại biểu đó phát biểu trái với quan điểm của Bộ này. Bên cạnh đó, khi Đại biểu Quốc hội phát hiện nhiều luật có chất lượng không bảo đảm nhưng khi đề nghị thì gần như không được ủng hộ.

Giải trình làm rõ các ý kiến của Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có thực tế là có dự án luật trình nhưng không được Quốc hội thông qua hoặc cơ quan trình rút dự thảo hoặc được thông qua nhưng với tỉ lệ quá bán rất thấp. Trong bối cảnh chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng pháp luật còn hạn chế thì việc có một luật riêng để quy phạm hóa quy trình vốn rất phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài là cần thiết.

"Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp cho thấy, trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hình sự hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước trong giai đoạn 2005-2008, tuổi đời trung bình của các luật dưới 10 năm, một số luật dưới 3 năm, cá biệt có luật chưa có hiệu lực đã sửa" - Bộ trưởng nói.