Đại biểu Quốc hội tranh luận về kiềm chế mặt trái của thủy điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách sáng 5/11, những tác động của thủy điện đến môi trường và đời sống người dân tiếp tục là chủ đề thu hút sự tranh luận của nhiều Đại biểu Quốc hội.

Giải trình bổ sung về tính hai mặt của các công trình thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản để quản lý các dự án đầu tư thủy điện đảm bảo hiệu quả của chúng. Căn cứ Luật Đầu tư, các dự án này phải có báo cáo về kinh tế kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Địa phương phải căn cứ vào các văn bản pháp luật như Thông tư 43 của Bộ Công Thương để hướng dẫn các dự án thủy điện bổ sung quy hoạch trong đó nói rõ tiêu chí sử dụng đất ra sao, nếu việc chiếm dụng đất vượt quá 10ha đất/1 KW thì cần phải xem xét lại.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải xin ý kiến của các bộ ngành liên quan để đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như các mục tiêu khác. Quy trình tiếp theo là các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, quản lý dự án đầu tư…

Trên cơ sở các quy định hiện hành, cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện của các chủ đầu tư dự án thủy điện theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

“Các báo cáo đánh giá tác động môi trường là các căn cứ quan trọng để giúp cấp có thẩm quyền thông qua dự án, đảm bảo quy định pháp luật về môi trường. Những báo cáo này đều đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về các thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, vòng đời của dự án, căn cứ quy định tại Luật Xây dựng, Nghị định 46 hướng dẫn Luật Điện lực, với các dự án này phải thực hiện báo cáo chất lượng của các hồ đập, hướng sử dụng, tháo dỡ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận

Sau phần giải trình trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) đã tranh luận, “nếu như theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, dường như thiên tai bão lũ là lỗi do trời, còn chúng ta không có lỗi gì. Theo tôi, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện ở đó gắn liền lũ quét lũ ống, ngập lụt. Các cụ nói “tức nước vỡ bờ”. Chúng ta làm đập thủy điện, khi nước dâng cao phải tìm đường thoát khiến đập dù không vỡ ở chỗ thủy điện sẽ vỡ chỗ khác” – Đại biểu Hồng nói.

Cùng tham gia tranh luận về nội dung trên, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu phát biểu trước đó khi cho rằng các dự án thủy điện luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Theo Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, các mặt tiêu cực đang được Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta phải ủng hộ. Đại biểu đồng tình các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện, với quan điểm nhận thức được tiêu cực, hạn chế thì sẽ có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hơn.

Còn theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc xây dựng thủy điện sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới tới phát điện. Nhờ có thủy điện này mà Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử, còn trước đó, như năm 1971, chúng ta phải phá đê để “cứu” Hà Nội.

Tuy nhiên, theo vị Đại biểu này, mặt trái của thủy điện cũng tồn tại. Do đó phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện, đồng thời xử lý nghiêm, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.