Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi về việc bỏ danh hiệu NSND, NSƯT cho nhạc sĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận về Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" đối với nhạc sĩ, phát thanh viên là không thỏa đáng.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ.

Bởi, theo Đại biểu, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo, nếu không có nhạc sĩ thì lấy đâu ra tác phẩm để nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công thể hiện.Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

“Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT” - Đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, Đại biểu Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên nhạc sĩ là đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như quy định hiện hành.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu), cho rằng, từ trước đến nay danh hiệu NSND, NSƯT chỉ xét tặng và trao cho nghệ sỹ biểu diễn mà không trao cho nghệ sỹ sáng tác.

“Có một giai đoạn trong biên chế của một đoàn nghệ thuật phía nam thường có nghệ sỹ sáng tác. Họ đo ni đóng giày sáng tác cho những “đào, kép” . Với nhiều trường hợp, họ là bậc thầy của những nghệ sỹ biểu diễn nếu so cả tuổi đời, tuổi nghề, thành quả hoạt động nghệ thuật. Nghệ sỹ sáng tác và nghệ ỹ biểu diễn là hai yếu tố không thể tách rời trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Thực tế, số người của có khả năng sáng tác vừa có khả năng biểu diễn rất ít. Thời gian qua nhiều nghệ sỹ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn hóa được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Song khi được tặng một số nghệ sỹ tỏ ra áy náy, niềm vui không trọn vẹn vì các bậc thầy của mình với nhiều tác phẩm làm say đắm lòng người lại không được xét tặng danh hiệu cao quý này.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc. Nếu nhạc sĩ có tác phẩm hay, xuất sắc, được ghi nhận thì sẽ được trao tặng các giải thưởng này.

Còn với danh hiệu NSND, NSƯT là tặng cho sự nghiệp, cho người biểu diễn nghệ thuật. Trong trường hợp nhạc sĩ cũng tham gia biểu diễn thì có thể được xét tặng danh hiệu này.

Về một số nội dung khác liên quan đến Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng, nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định, dự án luật phải bảo đảm thi đua mang ý nghĩa thực chất, tránh trình trạng hành chính hóa trong hoạt động thi đua; phải bảo đảm thi đua mang mang tính chất tự nguyện, tự giác để phát huy tối đa được sức mạnh của tập thể, cá nhân trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

Việc sửa đổi luật lần này cần phải khắc phục được bệnh hình thức, tránh cào bằng, tình trạng nể nang trong bình bầu thi đua; cùng với đó, cần quan tâm xây dựng các quy định cụ thể để khuyến khích, kịp thời khen thưởng cho người lao động trực tiếp, khen thưởng về những thành tích đột xuất đối với tập thể và cá nhân. Khen thưởng phải kịp thời, đúng đối tượng, thực chất và hiệu quả.