Đại biểu Quốc hội tranh luận sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về ngành tư pháp

ANTD.VN -Tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội, sáng 15/6, một số Đại biểu đã tranh luận sau phát biểu của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng "chưa bao giờ thấy niềm tin vào ngành tư pháp thấp như bây giờ".

Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu ý kiến, "là người làm công tác pháp luật, tham mưu cho công tác cải cách tư pháp, những ngày qua, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của cử tri với nội dung “chưa bao giờ thấy niềm tin đối với nền tư pháp thấp như bây giờ".

Theo Đại biểu, một số vụ án diễn ra vừa qua có nhiều vấn đề liên quan đến tố tụng. Do vậy, cần có sự giám sát chặt chẽ đối với công tác tư pháp. Đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị có chuyên đề riêng về giải quyết các vụ án nghiêm trọng.

Không đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) giơ biển tranh luận. Theo Đại biểu Quyền, việc một cơ quan này hay cơ quan kia có sai sót thì phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ) phát biểu tranh luận

"Dù hoạt động tư pháp thời gian qua đã xảy ra một số sai sót, bất cập nhưng không thể phủ nhận nhiều thành tựu quan trọng của ngành tư pháp. Ngành này đã góp phần không nhỏ làm ổn định trật tự xã hội, vào công cuộc sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Theo tôi, điều quan trọng làm thế nào cùng nhau sửa sai, tránh oan sai cho dân, giúp nền tư pháp ngày càng phát triển tốt hơn" - Đại biểu Quyền nói.

Cùng tham gia tranh luận, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc Đại biểu Nhưỡng nói chưa bao giờ chất lượng ngành tư pháp thấp như bây giờ là sự phủ định sạch trơn thành tựu của ngành tư pháp trong suốt thời gian qua.

"Đã có một số phóng viên hỏi tôi về vụ việc này, vụ án khác, song tôi không thể phát biểu do không được trực tiếp tiếp cận hồ sơ, không có đầy đủ thông tin. Theo tôi, phải có cơ chế thông tin cho đại biểu một các chính thống để có nhận định đúng đắn về các sự việc" - Đại biểu Cương nhấn mạnh.

Trước đó, về nội dung trên, trong phiên thảo luận sáng 13/6, Đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) đã nêu ý kiến, khi xét xử, HĐXX phải đọc hồ sơ, có vụ án hồ sơ đầy cả một xe ô tô, phải đọc nhiều tháng, kiểm tra chứng cứ, lời khai và qua tranh tụng tại phiên toà mới đưa ra phán quyết.

Đại biểu Phong cũng cho rằng, không nên đưa ra hiện tượng cá biệt để đánh giá bản chất của một nền tư pháp, không nên bức xúc mang tính tiêu cực để giải quyết vụ việc, thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn, mà phải thực hiện các bước còn lại theo luật định.