Đại biểu Quốc hội nói về cô giáo dạy 37 năm về hưu nhận lương 1,3 triệu đồng

ANTD.VN - Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng, nếu tính đúng ra thì lương hưu của cô giáo đi dạy 37 năm này chỉ là 1.262.158 đồng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trường hợp cô giáo Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) ngã quỵ khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng, nếu tính đúng ra thì lương hưu của cô giáo đi dạy 37 năm này chỉ là 1.262.158 đồng.

Mấy ngày nay, thông tin về cô giáo Trương Thị Lan sau 37 năm công tác với 22 năm 8 tháng đóng BHXH, bật khóc không thành tiếng khi cầm quyết định nhận lương hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 31-10, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, trên thực tế, để được hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng, nhà nước đã phải bù thêm cho cô Lan 37.000 đồng.

Ông Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

“Toàn bộ hệ thống lương bình quân trong quá trình công tác của cô giáo Trương Thị Lan là 1,8 triệu đồng/ tháng, đây là căn cứ để tính lương hưu. Nếu đúng quy định, lấy 69% làm căn cứ để tính lương hưu trên 1,8 triệu thì cô giáo này được hưởng lương hưu là 1.262.158 đồng.

Căn cứ theo Nghị quyết năm 2015 của Quốc hội quy định tất cả người lao động tham gia BHXH bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở. Thế nên nhà nước đã bù thêm cho cô Lan hơn 37.000 đồng nữa mới đủ 1,3 triệu đồng” – ông Lợi nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, nguyên nhân việc lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan thấp, đầu tiên là thời gian đóng BHXH ít. Thứ hai là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên nền rất thấp – chỉ có 1,8 triệu đồng.

“Vì vậy, cần nâng nền mức đóng BHXH trên tổng lương. Cùng đó, tăng thời gian đóng BHXH lên, nữ đóng đủ 30 năm, nam đóng 35 năm thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng đủ 75%, như vậy thì mức lương hưu sẽ cao hơn. Sắp tới hội nghị Trung ương 7 sẽ cho ý kiến về đề án cải cách đổi mới chính sách tiền lương, khi đó cũng sẽ bàn về vấn đề này” – ông Bùi Sỹ Lợi nói thêm.

Cũng theo ông Lợi, có nghịch lý là khi mức đóng BHXH tăng thì người lao động và doanh nghiệp lại không muốn. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về lĩnh vực này, nhất là phải quản lý minh bạch và hiệu quả quỹ BHXH.

“Trên thế giới không có nước nào lương về hưu vượt quá 75% của tiền lương đóng như Việt Nam, cao nhất chỉ 50 – 60%. Thế nhưng do mức lương đóng BHXH của nước ta thấp nên dù tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng mức tuyệt đối lại rất thấp” – ông Lợi nhấn mạnh.