Đại biểu Quốc hội lý giải vì sao quan chức vô cảm, quan liêu, hách dịch với dân

ANTD.VN - "Nhiều công chức ở ta không ý thức được mình là công bộc của dân. Vì sao có tình trạng này, theo tôi nguyên nhân khiến không ít quan chức vô cảm, quan liêu, hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân", ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Sáng 30-10, tham gia thảo luận trước Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ ra nhiều hạn chế của công chức, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị.

Bà Thúy cho rằng đạo đức công vụ và năng lực của nhiều công chức còn hạn chế: "Chúng ta đã và đang sử dụng cải cách hành chính, nhưng nếu người thực hiện cải cách không đủ tâm đủ tài thì thủ tục đơn giản mấy cũng thành khó khăn, công nghệ hiện đại mấy cũng vô dụng".

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chỉ ra nhiều hạn chế của công chức

Theo bà Kim Thúy, hạn chế nổi bật biểu hiện ở công chức của ta là không ý thức được mình là công bộc của dân.

"Vì sao có tình trạng này, theo tôi nguyên nhân khiến không ít quan chức vô cảm, quan liêu, hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng, công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên của mình. Công chức chỉ tiếp xúc với dân trong vai người đến xin việc này, việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết mới là những người đóng thuế trả lương cho mình, tức là ông bà chủ thực sự của mình", bà Kim Thúy dẫn giải.

Hạn chế khác của công chức, theo ĐB Kim Thúy là không thạo việc. Hầu hết công chức hiện đều có đủ bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm nhưng thực chất trình độ của nhiều người không tương xứng bằng cấp họ có. Do không thạo việc nên thường khó giải quyết nhanh chóng việc cho dân, cũng ít khi tham mưu cho cấp trên những chủ trương tốt.

Do công chức thực thi công việc không thạo việc, đồng thời do phân cấp, phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng nên xảy ra tình trạng cấp trên phải làm thay việc cấp dưới, tình trạng sa đà vào công việc hành chính khiến nhiều công chức chính trị không có thời gian để nghiên cứu, quyết định các vấn đề bao quát, có ảnh hưởng lâu dài.

Mặt khác vì sa đà vào công việc hành chính nên quan chức chính trị không đủ thời gian xem xét quyết định các vấn đề nên xảy ra tình trạng người ký trình quan trọng hơn người ký duyệt, dẫn đến lạm quyền.

Cũng theo bà Kim Thúy, chủ trương phân cấp chưa được ứng dụng, thực hiện hiệu quả. Biểu hiện là tình trạng cấp trên ôm đồm, cấp dưới đùn đẩy công việc lên cấp trên dẫn đến hệ lụy cấp trên quá tải, công việc ách tắc vì các địa phương, ngành đổ dồn về trung ương để xin, để trình duyệt, phê chuẩn…

"Trong trường hợp này, chính sách một cửa không những không phát huy mà làm cho việc xếp hàng dài thêm, ách tắc nhiều thêm. Mặt khác, thói quen xin ý kiến cấp trên làm cho chính quyền trung ương quá tải mà công việc của dân, của nước chậm được giải quyết. Nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở chậm được giải quyết vì thường chúng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên", bà Kim Thúy nhấn mạnh.

Theo ĐB Kim Thúy, việc không thực hiện phân cấp triệt để làm cho nhiều cấp hành chính bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh hàng ngày, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Ngoài ra, việc cấp trên giữ quyền phê duyệt của cơ sở dẫn đến tình trạng chế độ trách nhiệm không rõ ràng. Nếu không may hỏng việc, cấp dưới đổ cho cấp trên mới là nơi phê duyệt còn cấp trên đổ cho cấp dưới đề nghị trình lên, như thế rất khó quy kết trách nhiệm.

Từ phân tích trên, ĐB Kim Thúy kiến nghị trên cơ sở rà soát xác định chức năng nhiệm vụ của từng cấp hành chính mà phân công rõ ràng cho từng bộ phận trong bộ máy hành chính, chấm dứt tình trạng cấp trên ôm việc hoặc can thiệp trái quy định vào công việc cấp dưới và cấp dưới đùn đẩy việc lên cấp trên. Ngoài ra, các quan chức chính trị cần được dân trực tiếp bầu hoặc ít nhất được người dân cơ sở giới thiệu, còn công chức hành chính chọn công khai. Cuối cùng, xây dựng quy chế về đạo đức công vụ công chức làm cơ sở giám sát, đánh giá công chức; xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân.