Đại biểu Quốc hội khoá 13: có tới 15 ứng viên trung ương bị trượt

Trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao. Tuy nhiên, 15 ứng viên được trung ương giới thiệu đã trượt.

Đại biểu Quốc hội khoá 13: có tới 15 ứng viên trung ương bị trượt

Trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao. Tuy nhiên, 15 ứng viên được trung ương giới thiệu đã trượt.

>>>Công bố danh sách đại biểu Quốc hội khóa XIII

Sáng nay 3-6, Hội đồng bầu cử trung ương công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13. Theo Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên, tổng số đại biểu khóa 13 là 500, các tỉnh thành đã bầu đủ số đại biểu được phân bổ.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên trả lời trong cuộc họp báo quốc tế sáng nay. Ảnh: N.H.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên trả lời trong cuộc họp báo quốc tế sáng nay. Ảnh: N.H.

Đánh giá sơ bộ về kết quả bầu cử, ông Phạm Minh Tuyên khẳng định, cuộc bầu cử đã thành công, bảo đảm dân chủ. "Thành phần, cơ cấu đại biểu phản ánh tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân.", ông Tuyên nói.

Về cơ cấu, đại biểu ngoài Đảng có 42, nữ có 122, trẻ dưới 40 tuổi 62 người, đều ít hơn so với cơ cấu dự kiến và ít hơn khóa trước. Số đại biểu tái cử (167) cao hơn so với khóa trước 7 người. Có 229 đại biểu trình độ trên đại học (45,8%), đại học 262 người (52,4%).

Trong số 15 người tự ứng cử, có 4 người trúng cử, tăng 3 so với khóa 12, gồm bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), các ông Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Phan Văn Quý (Nghệ An) và Hoàng Hữu Phước (TP HCM). Ba trong số bốn người này là doanh nhân.

Tuy nhiên, trong 182 ứng viên thuộc diện trung ương giới thiệu có 15 người trượt đại biểu Quốc hội khóa 13, trong đó có 7 đại biểu chuyên trách khóa 12. Đặc biệt, có một số là lãnh đạo ủy ban của Quốc hội.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, đây là kỳ bầu cử ghi nhận số ứng viên trung ương trượt nhiều nhất. Ở khóa 12, con số này là 7.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đạt tỷ lệ phiếu bầu cao nhất (95,51%), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (95,38%). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt 85,63%.

Các ứng viên thuộc khối Đảng và Nhà nước trúng cử còn có ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư; ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương; ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan...

Ba phó chủ tịch Quốc hội tiếp tục trúng cử là các ông Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và bà Tòng Thị Phóng.

Ngoài ra, trong danh sách trúng cử có mặt 12 bộ trưởng đương nhiệm, gồm các ông: Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương; Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo Hội đồng bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,51%. Trong đó, cao nhất là 4 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn đạt 99,9%.

Theo Nguyễn Hưng

Vnexpress