Đại biểu Quốc hội hài lòng với nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

ANTD.VN -  Sáng nay 17-11, Quốc hội kết thúc phiên chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng… được ĐBQH quan tâm đặt ra. Dù lần đầu đăng đàn, nhưng Thống đốc NHNN trả lời thẳng thắng, làm rõ các vấn đề làm hài lòng ĐBQH trước sự đánh giá cao của cử tri.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn ĐBQH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 39 ĐBQH tham gia chất vấn và 5 ĐB tham gia tranh luận. Phiên chất vấn Thống đốc NHNN diễn ra sôi nổi. Mặc dù lần đầu tham gia trả lời chất vấn nhưng Thống đốc NHNN nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời thẳng thắng, làm rõ các vấn đề được ĐB nêu và đưa ra các giải pháp rất căn cơ.

“Phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN nhận được sự hài lòng của ĐBQH và cử tri đánh giá cao. Qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là vấn đề khó, tồn tại hạn chế trong sự phát triển kinh tế - xã hội đã có từ nhiều năm trước đây và đang trong quá trình xử lý theo Nghị quyết của Quốc hội và đã được Chính phủ tích cực điều hành giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội kết luận: Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, dưới sự điều hành của NHNN cơ bản là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và sự chỉ đạo của Chính phủ giữ được sự ổn định, mặt bằng đời sống, thị trường ngoại hối, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phù hợp với mục tiêu nhiệm vụ đề ra.

Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, góp phần quan trọng vào nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với việc dư nợ xấu tiếp tục được triển khai và đạt được kết quả ban dầu theo mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nhóm chất vấn vẫn còn tồn tại một số hạn chế được nhiều ĐBQH đã đề cập như công tác điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều thách thức, việc tiếp cận nguồn vốn cho vay còn khó khăn, việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét nhiều vấn đề đặt ra. Kết quả nợ xấu còn hạn chế và tình hình nợ xấu trong vay vốn ngân hàng thực tế vẫn còn ở mức cao, diễn biến phức tạp.

Tình trạng sở hữu chéo, vi phạm tỷ lệ sở hữu chưa được xử lý đến, mặc dù có nhiều cố gắng. Việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn, tốt hơn.

Trên cơ sở chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, NHNN, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng phù hợp với diễn biến thị trường, có sự phối hợp chặt chẽ giữ chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ đảm bảo, ổn định cho nền kinh tế vĩ mô; thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế an toàn, hiệu quả, chất lượng  phù hợp với khả năng của nền kinh tế…