Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về Dự án Luật Tư pháp

ANTD.VN - Thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại quy định “việc người chưa thành niên không nhận tội không bị coi là không thành khẩn khai báo".

Cho ý kiến về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, dự thảo Luật quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người 13-16 tuổi, sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy.

Theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng gia tăng. Đối tượng có hành vi phạm tội có độ tuổi 16-18 tuổi. Dự thảo Luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở một số tội thực sự chưa đầy đủ. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự Luật để tránh áp dụng không thống nhất, đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu

Cùng thảo luận về nội dung trên, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc quy định Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền hủy bỏ quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra mà nên quy định Viện kiểm sát quyền kiến nghị khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật để bảo đảm thống nhất về chính sách xem xét lại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của Viện kiểm sát, Tòa án.

Việc quy định theo hướng quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bị khiếu nại, kiến nghị phải được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết vụ việc có người chưa thành niên nhanh chóng, kịp thời.

Đồng thời, quy định theo hướng này còn bảo đảm nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước…” và “mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ…” được đề ra tại Nghị quyết 27.

Quan tâm đến quy định về bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị xem lại quy định “việc người chưa thành niên không nhận tội không bị coi là không thành khẩn khai báo".

Bởi theo đại biểu, hiện nay, việc thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định Bộ luật Hình sự, được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người thành khẩn hay không thành khẩn.

Quy định việc người chưa thành niên không nhận tội lại không bị coi là không thành khẩn khai báo như trong dự thảo Luật thì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật mà còn có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc, xác minh làm rõ sự thật khách quan.

Việc người chưa thành niên không nhận tội trong khi thực tế mình có tội thì không thành khẩn khai báo; nếu cào bằng giữa người chưa thành niên thành khẩn nhận tội và người chưa thành niên không thành khẩn nhận tội thì không phù hợp - đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu quan điểm.