Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng luật mới về đầu tư công

ANTD.VN - "Luật Đầu tư công lần này sửa quá nhiều và hầu hết là nội dung cơ bản thì nên chăng xây dựng Luật mới, bởi sửa điều này lại ảnh hưởng đến điều khác, không đảm bảo tính logic và bố cục của luật"...

Thảo luận tại hội trường sáng nay, 6-11 về Dự án Luật Đầu tư công, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần chỉnh lý các quy định về trình tự, thủ tục, bố trí vốn, rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Tham gia phát biểu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) kiến nghị dự án Luật Đầu tư công lần này sửa quá nhiều và hầu hết là những nội dung cơ bản thì nên chăng xây dựng Luật mới, bởi sửa điều này lại ảnh hưởng đến điều khác, không đảm bảo tính logic và bố cục của luật.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chuẩn bị sớm trong việc xây dựng các văn bản, nghị định hướng dẫn, mạnh dạn giao cho các địa phương trên tinh thầm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Cho ý kiến về điều kiện bố trí vốn hàng năm, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) phân tích, theo tại Khoản 2 Điều 57 của Dự thảo Luật Đầu tư công, sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư nhưng nếu chưa được bố trí vốn hàng năm thì sẽ không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư. Như việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) thảo luận

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) thảo luận

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào Khoản 2 Điều 57. Cụ thể là “Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Liên quan đến vốn, khoản 1 Điều 59 quy định “vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”.

Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, quy định như vậy thì các công việc phải thực hiện tiếp theo như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện Dự án.

Nhằm khắc phục bất cập này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc nêu trên, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi Khoản 1 Điều 59 và Khoản 3 Điều 59 Dự thảo Luật, theo hướng chuyển các nhiệm vụ như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.