Đại biểu Quốc hội đề xuất thu "phí chia tay", chuyên gia du lịch nói gì?

ANTD.VN -Trao đổi cùng PV ANTĐ xung quanh đề xuất thu “phí chia tay” của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết ý kiến đó hơi bất ngờ và đề xuất cái gì cũng phải xuất phát từ nội lực của đất nước.

Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

PV: Thưa ông, quan điểm của ông thế nào về đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cần thu phí chia tay đối với người Việt Nam đi du lịch nước ngoài?

Ông Vũ Thế Bình: Tôi nghĩ là Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng muốn tạo nguồn cho ngành du lịch Việt Nam triển khai các hoạt động của mình. Tuy nhiên, cách diễn đạt của ông ấy đã khiến nhiều người hiểu nhầm.

Thực ra, tất cả các nước trên thế giới đều có các quỹ để triển khai hoạt động, chủ yếu dành để xúc tiến du lịch và bảo vệ môi trường. Nguồn đó thường lấy từ ngân sách, nhưng ngân sách lấy từ đâu? Lấy từ  nguồn thu du lịch, mà nguồn thu du lịch bắt nguồn từ đóng góp của khách du lịch. Vì thế, ở đây đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đã không thể giải thích rõ ràng cho Quốc hội, cho người dân, thành ra đề xuất “phí chia tay” tạo cảm giác như là áp đặt đối với người đi du lịch phải đóng thêm một khoản phí.

Tất cả những người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng như khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, họ đều hiểu rằng, họ phải có nghĩa vụ với đất nước mà họ đến, cụ thể là vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề an ninh an toàn cho họ. Cho nên, họ vui vẻ đóng mà không ai có phản ứng gì.

Ông Vũ Thế Bình cho biết, cần thu phí của khách du lịch nhưng là phí bảo vệ môi trường 

Tôi phải khẳng định rằng, phí du lịch này hoàn toàn khác phí BOT cũng như phí xăng dầu. Đó phải là phí tình nguyện của du khách để góp phần quảng bá hình ảnh, cũng như bảo vệ môi trường của du lịch trong nước.

Thế nhưng từ xưa đến nay ta lại không có nguồn thu. Đây chính là nguồn hợp lý mà thế giới đa phần người ta đã và đang thực hiện. Vấn đề là chúng ta phải hiểu rõ, quỹ này cần phải được công khai, phải được quản lý bằng xã hội, phải được minh bạch và mọi nguồn chi là cho xã hội chứ không phải cho bất kỳ cá nhân nào.

Chúng ta có thể tổ chức các chiến dịch xúc tiến ở các nước, các hoạt động bảo vệ môi trường ở các điểm du lịch. Các bãi biển sau mỗi mùa du lịch là tràn ngập rác thải. Thế thì, ai là người dọn rác? Ai là người làm sạch môi trường? Trong khi, chúng ta không thể kêu gọi sự tình nguyện mãi được.

Khi khách du lịch đến nghỉ ngơi, hưởng thụ dịch vụ, cảnh quan thiên nhiên môi trường trong lành thì phải đóng góp thêm. Tất cả khách du lịch dù đi ra nước ngoài hay từ nước ngoài vào Việt Nam đều hiểu. Chỉ có điều, chúng ta có  thuyết phục, có tập hợp được họ không. Và quan trọng, quỹ phải được xây dựng đàng hoàng, minh bạch, hợp pháp, hợp lý chứ không phải nên đóng hay không nên đóng. Sự cần thiết là có thật.

PV: Một trong những điều dư luận không đồng tình với đề xuất của Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng là cách so sánh và áp dụng việc thu phí của Nhật Bản. Bởi lẽ, đời sống của người dân Việt Nam và Nhật Bản còn rất khác nhau…

Tôi nghĩ dư luận có không đồng tình cũng không sai đâu. Bởi lẽ, đề xuất cái gì cũng phải xuất phải từ nội lực của đất nước. Hiện, du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh, và đang trở thành nền kinh tế mũi nhọn thì bắt buộc phải có điều kiện nhất định để cho nó phát triển.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với thế giới

Từ trước đến nay, việc du lịch nhận được các nguồn tài trợ từ ngân sách là vô cùng ít, chi xúc tiến du lịch hàng năm chỉ có 30-40 tỷ đồng. So với các nước trong khu vực thì nguồn chi cho xúc tiến quá ít ỏi. Vậy thì làm sao chúng ta có thể vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn được?

Muốn làm được nhiều việc phải có kinh phí, mà trông vào ngân sách thì tôi không nghĩ ngân sách Nhà nước có thể cung cấp mãi được. Chính vì thế phải yêu cầu những người đến Việt Nam và những người đi du lịch nước ngoài phải cùng đóng góp. Ví dụ, mỗi khách đến là 1 USD thôi chẳng hạn. Đó không phải chuyện gì gây áp lực lớn với người dân đâu.

PV: Các nước đều xây dựng quỹ từ các loại hình thu phí nhưng chủ yếu là đối với khách du lịch nước ngoài vào, ví dụ ở Italia, họ có phí lưu trú. Nếu thu “phí chia tay” dành cho người Việt du lịch nước ngoài liệu có ngược lại với thế giới không, thưa ông?

Quan điểm của tôi trước tiên vẫn phải là thuế du lịch dành cho người nước ngoài vào Việt Nam thì hợp lý hơn cả. Hiện, tất cả các nước họ đã làm. Còn đề xuất thu “phí chia tay” thì không cấp bách và không rõ ràng. Ví dụ như, thuế lưu trú ở Italia, thuế du lịch như ở Malaysia, Nhật Bản, Pháp…Bởi lẽ, họ vào nước ta, hưởng thụ các dịch vụ ở nước ta cơ mà.

Mỗi du khách tới Việt Nam nếu chỉ đóng góp 1 USD thôi là ngành du lịch đã có một số tiền lớn để làm sạch môi trường 

Tất nhiên, những điều này cần phải nghiên cứu kỹ càng. Năm vừa rồi, số khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 15,6 triệu lượt. Mỗi người đóng 1 USD thôi là một năm chúng ta đã có một số tiền đủ lớn để bảo vệ, làm sạch môi trường, số tiền này lớn hơn nhiều so với sự chờ đợi từ ngân sách Nhà nước.

PV: Thưa ông, hiện chúng ta đã có nguồn thu thường xuyên nào cho các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch chưa?

Cho tới thời điểm hiện tại, không hề có một quỹ nào dành cho bảo vệ môi trường du lịch cả. Cũng không có ngân sách chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch. Việc này chỉ hoạt động dựa trên sự tự nguyện của doanh nghiệp, sự tình nguyện của người làm du lịch. Hơn nữa, mới chỉ phát động thành phong trào chứ chưa thể thành chính sách bảo vệ được.

PV: Nghĩa là, thay vì thu "phí chia tay", chúng ta có thể thu phí môi trường được chứ?

Hoàn toàn có thể. Miễn là các hoạt động thu chi minh bạch, hợp lý và hiệu quả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trước đó, trong phiên thảo về Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề xuất, công dân Việt Nam mỗi lần xuất cảnh đóng ‘phí chia tay’ từ 3-5 USD.

Bởi lẽ, có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này. Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn. Ngoài ra, dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà…

Đề xuất này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội.