Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới tập trung nguồn lực cải cách tiền lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận sáng 29-3, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo tiền lương là điều kiện thúc đẩy tăng năng suất lao động, thể hiện giá trị sức lao động.

Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, trong nhiệm kỳ qua Chính phủ đã tập trung giải quyết an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, được thể hiện qua mức đầu tư cho an sinh xã chiếm chiếm 21% chi trong GDP, cao nhất trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên sự chênh lệch giàu nghèo không những không thu hẹp mà có xu hướng giãn ra, phân hóa tăng qua sự chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất với 20% dân số nghèo nhất (năm 2014 là 9,7 lần, đến năm 2018 là 10 lần). Hệ số thu nhập 2014-2018 là 0,4 – mức bất bình đẳng trung bình trên thế giới.

Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và đảm bảo an sinh, công bằng xã hội, Đại biểu Lợi kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu xây dựng sàn an sinh xã hội để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn theo quan điểm của Đảng “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương (ảnh minh họa)

Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương (ảnh minh họa)

Làm rõ nội dung trên, Đại biểu Lợi phân tích, nước ta có 3 mức chuẩn tối thiểu, ở khu vực Nhà nước, lương tối thiểu là 1.490.000 đồng, khu vực sản xuất kinh doanh từ 3.070.000-4.420.000 đồng, chuẩn nghèo đa chiều ở nông thôn là 700.000 đồng, đô thị là 900.000 đồng.

“Qua các mức trên chúng ta không thể biết ai đứng dưới sàn an sinh xã hội. Để có cơ sở xác định ai bị bỏ lại phía sau cần có thước đo cơ bản xác định mặt bằng. Do đó cần có sàn an sinh xã hội chung cho các khu vực” – Đại biểu Lợi nhấn mạnh.

Nội dung tiếp theo mà Đại biểu Lợi đề cập đó là chính sách BHXH. Theo vị Địa biểu này, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ra Nghị quyết bất thường về việc tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Ngay sau khi quy định được ban hành, vào thời điểm chưa có hiệu lực thi hành đã xảy ra tiền lệ chưa từng có: Người lao động đình công do chưa hiểu rõ tính nhân văn của nó, đó là bảo đảm cho người lao động khi về già hưởng lương hưu, BHYT và trợ cấp tử tuất nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Sau khi Nghị quyết 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng BHXH 1 lần, năm 2018 có 880.000 người ra khỏi hệ thống BHXH. Trong khi đó năm 2020 chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống, nghĩa là số người vào, ra BHXH gần như bằng nhau. Điều này ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội lâu dài, chính sách BHXH toàn dân.

“Trong hội thảo gần đây tại một trường ĐH, tôi nghe nhiều người lao động nói rằng cuộc sống rất khó khăn, không lối thoát. Do vậy, tôi kiến nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện chính sách BHXH 1 lần theo tinh thần Nghị quyết 93 của Quốc hội. Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết này để tiếp Điều 60 Luật BHXH “sống lại” theo đúng tinh thần của Luật BHXH 2014” – Đại biểu Lợi chia sẻ.

Kết thúc phần phát biểu, vị Đại biểu đoàn Thanh Hóa bày tỏ trăn trở, “Nghị quyết 27 khẳng định phải cải cách chính sách tiền lương nhưng chúng ta chưa làm được vì chưa cải tiến được BHXH. Chúng ta đã 4 lần lỡ hẹn với công nhân viên chức và người lao động do chưa cải cách được chính sách tiền lương.

Trong nhiệm kỳ tới, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo tiền lương là điều kiện thúc đẩy tăng năng suất lao động, thể hiện giá trị sức lao động, giá cả trên thị trường lao động”.