- Quốc hội xem xét chế độ hỗ trợ hàng tháng với người làm công tác xây dựng pháp luật
- Cần quy định rõ chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng với doanh nghiệp tư nhân
- Bộ trưởng Tài chính giải trình về quy định thanh, kiểm tra doanh nghiệp
Thảo luận tại Hội trường sáng nay, 16-5, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) đã cho ý kiến về Điều 4 về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt.
Đại biểu cho rằng quy định tại Khoản 1 Điều 4 dư thảo khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Việc quy định ngân sách đảm bảo không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước dễ dẫn đến thiếu khả năng thích ứng với điều kiện thực tế và cân đối ngân sách trong dài hạn.
Đại biểu đề xuất viết lại khoản này theo hướng mở, đảm bảo ngân sách cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm, đồng thời cho phép điều chỉnh tăng dần theo yêu cầu phát triển và tình hình cân đối ngân sách Nhà nước, có phương án điều chỉnh khi kinh tế - xã hội biến động lớn.
Đại biểu nhấn mạnh, khoản chi ngân sách này cần được quy định rõ ràng và công khai, bao gồm cả nội dung chi, đối tượng chi, hình thức quản lý, và cần được kiểm toán độc lập, công khai quyết toán hằng năm.
Để giám sát hiệu quả, cần bổ sung Khoản 9 vào Điều 4 dự thảo: “Việc sử dụng ngân sách kèm theo Nghị quyết này phải được kiểm toán độc lập; công khai quyết toán hàng năm; bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và toàn xã hội”.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) phát biểu thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị không chỉ dừng lại ở cụm từ “chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao”, mà phải quy định rõ trách nhiệm giải trình, kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan sử dụng ngân sách, để tăng cường phòng chống lạm quyền, ngăn chặn lợi ích nhóm.
Theo đại biểu, cần sửa thành “chịu trách nhiệm giải trình trước cấp có thẩm quyền; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan”. Tương tự, đại biểu kiến nghị chỉ được miễn trách nhiệm sau khi có xác nhận bằng văn bản từ cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc cấp có thẩm quyền, bảo đảm việc sử dụng kinh phí đã đúng quy trình pháp luật.
Về Khoản 6 Điều 4 dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận định, trong thực tiễn, các văn bản pháp luật hiện hành có thể đồng thời điều chỉnh các nội dung chi ngân sách liên quan đến đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… dễ dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thành “trong trường hợp có quy định khác nhau, thực hiện theo quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc theo thứ tự ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành liên quan”.
Góp ý vào Điều 9 dự thảo về thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng, nội dung “chịu trách nhiệm về chất lượng, kết quả thực hiện” là chưa đủ cụ thể, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm như bảo mật, đối ngoại.
Để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm, đề nghị bổ sung nội dung “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về lựa chọn, thẩm định năng lực, tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hợp tác; công khai minh bạch quy trình lựa chọn và kết quả thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đã giao”…