Đại biểu Quốc hội buồn với "văn hóa đổ lỗi" khi xảy ra cháy nổ

ANTD.VN - "Người dân cho rằng chính quyền không quan tâm, chính quyền thì nói người dân không chấp hành. Đây là “văn hóa đổ lỗi” khi truy trách nhiệm”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nói tại phiên thảo luận báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Một đối tượng bị khởi tố sau khi đốt rác trong vườn nhà vô tình làm xảy ra vụ cháy rừng lớn tại địa bàn huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh, tháng 7-2019

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiệt hại lớn là chất lượng tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa đạt, chưa giúp chuyển biến nhận thức của người dân.

Dẫn lại một số vụ việc người nông dân do thiếu kiến thức, đốt nương làm rẫy đã làm xảy cháy rừng, gây thiệt hại lớn bị xử lý hình sự, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đánh giá công tác tuyên truyền về PCCC ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa còn mang tính hình thức, đối phó.

“Chúng ta có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến PCCC. Thử hỏi có bao nhiêu người dân nắm được, hiểu được và thực hiện được theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đó?”, bà Xuân đặt vấn đề và nếu không giải quyết triệt để vấn đề này thì nguy cơ cháy nổ vẫn hiện hữu trong đời sống.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần nhìn thẳng vào thực trạng để nhìn ra lỗ hổng, làm rõ và truy trách nhiệm các bên liên quan.

Qua công tác thực tế tại nhiều địa phương, bà Hoa chỉ ra có sự chồng chéo, lạc hậu của hệ thống pháp luật về PCCC, khiến địa phương lúng túng trong thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thảo luận sáng 13-11

Cơ quan chức năng nói làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân nói không biết. Cơ quan chức năng khẳng định có kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ được xử lý rất ít. Thực tế cho thấy khi xảy ra cháy nổ mới đi tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm. Cháy rừng, cháy quán karaoke, cháy chung cư ở địa phương này thì địa phương khác mới quan tâm, rà soát.

“Đáng buồn khi truy cứu trách nhiệm đang có tình trạng đổ lỗi. Người dân cho rằng chính quyền không quan tâm, chính quyền thì nói người dân không chấp hành. Đây là “văn hóa đổ lỗi” khi truy trách nhiệm”, bà Hoa nói và đề nghị bịt ngay những lỗ hổng, từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn, giám sát trong thực hiện.

Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018 cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 hecta rừng.

Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 hecta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 hecta rừng.

(Trích báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội)