Đặc xá chỉ áp dụng cho người thực sự xứng đáng, điều kiện xét duyệt phải chặt chẽ

ANTD.VN - Nên nới lỏng hay siết chặt quy định về đặc xá, tha tù trước thời hạn? Có nên quy định người được đề nghị đặc xá phải chấp hành bổ sung hình phạt tiền?... Đó là những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm khi cho ý kiến vào dự án Luật đặc xá (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)

Sáng nay, 11-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đặc xá (sửa đổi). ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, sau 10 năm triển khai Luật Đặc xá 2007, với 7 lần đặc xá, thì chỉ có 57% người sau khi được đặc xá trở về có việc làm khi trở lại cộng đồng. Do đó sửa đổi luật lần này phải khắc phục được những bất cập trong thời gian qua.

ĐB Hiền nhấn mạnh, đặc xá phải dành cho những người thực sự xứng đáng để đảm bảo tính khoan hồng và nghiêm minh của pháp luật, tránh lợi dụng chính sách đặc xá để được khoan hồng ồ ạt. Đồng thời, phải tạo động lực với những người bị kết án để họ phấn đấu họ hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội khi trở lại cộng đồng.

Chung quan điểm cho rằng điều kiện xét duyệt đặc xá phải chặt chẽ, tránh việc đặc xá quá nhiều, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) góp ý, trong Luật Đặc xá (sửa đổi), điều kiện để hưởng đặc xá cần quy định thật kỹ, tránh việc đặc xá đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống loài người, khủng bố. Bà Ngân cũng cho rằng luật cần quy định rõ các trường hợp không được đặc xá.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, tại dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), các điều kiên đặc xá đang được tiếp cận theo hướng tha tù có điều kiện, giảm hình phạt đã tuyên… đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đây là điều phù hợp. Sự khác biệt chỉ là nới lỏng hoặc quy định chặt chẽ hơn.

Góp ý thêm về điều khoản quy định người được đề nghị đặc xá phải chấp hành bổ sung hình phạt tiền bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ đền bù dân sự, trường hợp chưa chấp hành xong phải do Chủ tịch nước xem xét theo quy định, ĐB Hiển cho rằng, nên cân nhắc lại quy định này để tránh trường hợp có những người dù cải tạo tốt nhưng không có điều kiện thi hành hình phạt tiền thì không được đặc xá.

“Để đặc xá thực chất thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước, nên thiết kế lại theo hướng, đặc xá chỉ nên áp dụng với 3 điều kiện sau: Những người thực sự có tiến bộ trong cải tạo, giáo dục. Những người này cần có tiêu chí cụ thể để đánh giá sự tiến bộ và kèm theo điều kiện thời gian đã chấp hành án. Thứ hai là với những người trong hoàn cảnh đặc biệt: lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo, người trên 70 tuổi thường xuyên ốm đau… Thứ ba là trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại của Nhà nước” – ĐB Nguyễn Văn Hiển góp ý.