Đặc trị “bệnh lười” trong ngành giáo dục

ANTĐ - Nhân dịp bước vào năm học mới, tôi xin có một vài ý kiến nho nhỏ góp với Bộ Giáo dục, mong sẽ hữu ích. Sự nghiệp Giáo dục con trẻ là của toàn Đảng toàn dân nên tôi xin phép ở cương vị thầy giáo đã nghỉ hưu mấy chục năm rồi, dám “đánh trống qua cửa nhà sấm”, phát biểu những ý kiến thẳng thắn của cá nhân tôi.
Thực ra giáo dục hiện nay chỉ có vấn đề chất lượng đang xuống dốc và vấn đề thi cử.

Nguyên nhân làm cho chất lượng ngày càng kém, các vị đã đưa ra rất nhiều và rất đúng. Nhưng đó mới là nguyên nhân khách quan. Tôi chưa thấy một nguyên nhân chủ quan nào cả: Đó là đối tượng chịu sự giáo dục, cụ thể là thầy và trò. Chúng ta đã có những chuyên đề nào tìm hiểu về họ chưa? Ta chưa hiểu gì về họ .

Tại sao cũng chương trình ấy, phương pháp ấy, cũng thầy dạy ấy, mà các em học sinh nông thôn nghèo vừa đi học vừa phải lao động kiếm sống, vẫn đỗ thủ khoa trong các kỳ thi, chẳng thấy em nào kêu ca chương trình nặng nhẹ, đề thi cao quá không sát trình độ. Còn con em ở thành phố có đủ mọi điều kiện, thậm chí cả con các vị giáo sư, tiến sĩ, có những phương pháp dạy tiên tiến nhất, vẫn chỉ lẹt đẹt, phọt phẹt khóa đuôi, lại còn kêu ca chương trình quá tải, phương pháp quá lạc hậu, học quá nhiều, chẳng còn thời gian cho vui chơi giải trí.

Nếu đem so sánh các giáo sư, tiến sĩ thời bao cấp chưa có điều kiện sửa đổi gì, với các vị tiến sĩ ngày nay xem kiến thức thực giả thế nào thì ta sẽ thấy ngay được cái nguyên nhân chủ yếu là gì?

Theo tôi nguyên nhân chủ yếu là “bệnh lười”. Nó là một căn bệnh “thâm căn cố đế”, phải có một liều thuốc đặc trị cấp tốc thì sẽ nâng cao được chất lượng.

Hãy khảo sát một vài thầy và trò xem họ làm việc và học hành như thế nào.

Hỏi một thầy giáo dạy văn học cấp 

II-III có bao giờ đọc hết tác phẩm “Truyện Kiều” chưa? Có thuộc lấy vài chục câu ca dao, tục ngữ chưa? Trả lời là chưa.

Hỏi một thầy toán, có bao giờ thầy đọc và nghiên cứu từ đầu đến cuối cuốn sách giáo khoa mà hàng ngày vẫn dạy. Trả lời dạy bài nào thì hôm đó đọc bài ấy.

Hãy chữa khỏi “bệnh lười” rồi hãy thay đổi phương pháp.

Hỏi một học sinh: Thầy dạy có hiểu bài không? Trả lời: Cũng tùy lúc.

Hỏi có ghi bài giảng hôm nay không? Trả lời: Đã có trong sách giáo khoa cần gì ghi.

Thầy lười, trò lười thì trong đầu làm sao có kiến thức mà đòi chất lượng.

Đã lười lại đòi bỏ thi cử vì tốn kém, vì áp lực quá.

Con người sẵn có “sức ỳ”, nếu không thúc đẩy, nó sẽ lỳ ra như khúc gỗ.

Ngoài xã hội hiện nay, các phong trào thi đua đang được phát động rầm rộ. Nào là thi đua hoàn thành kế hoạch, thi tay nghề, thi công chức. Đấy cũng là động lực thúc đẩy con người. Vậy mà nhiều người lại đòi bỏ thi cử, thì quả là vô lý. Không thi cử thì thầy và trò chỉ cần làm việc, học tập túc tắc “đến hẹn lại lên”. Như thế lấy đâu ra chất lượng?

Rồi đây, ta vẫn phải cải cách giáo dục, nhưng trước mắt hãy có biện pháp tích cực “chống lười”, nêu cao khẩu hiệu “Thầy chăm nghiên cứu - trò chăm học tập” nhất định chất lượng sẽ được nâng cao.

Tôi tin nếu làm được như thế, nhiều tiêu cực sẽ dần bị triệt tiêu!