Đặc sản "độc", lạ đổ bộ thị trường dịp Tết

ANTD.VN - Tết Nguyên đán 2018 đang đến rất gần. Nông dân khắp cả nước đang tất bật chăm sóc “đặc sản” đón Tết với hy vọng một mùa bội thu. Những nông sản “độc”, lạ năm nay dự báo thu hút được người chơi.

Khác với năm ngoái, 1 gốc bưởi chỉ gép được 7-9 loại quả, Tết năm nay, nông dân Lê Đức Giáp ở Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội đã ghép được 11 loại quả trên cùng 1 cây để phục vụ thú chơi Tết ngày càng đa dạng và cầu kỳ của khách hàng.

Hiện ông Giáp sở hữu kỹ thuật trồng và ghép quả trên gốc cây bưởi; thời điểm cách Tết 45 ngày quả dần chuyển màu (đỏ, vàng, xanh ..) để kịp bán trong dịp này. Năm nay, ông Giáp chăm sóc  20 cây có 11 loại quả gồm: bưởi đỏ, bưởi chua, bưởi Diễn, cam Vinh, cam đường, cam xanh, chanh trắng, chanh đào, phật thủ, quất, quýt. Ngoài ra, ông cũng vẫn ghép những gốc cây có từ 5-7 loại quả để phục vụ đa dạng khách hàng.

Lục bình cao 3m, có giá vài chục triệu chơi Tết của nông dân Văn Giang

Còn nông dân Nguyễn Trung Thành ở Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên Tết năm nay lại tạo ra kiểu quất Tết hình dáng lục bình, cao đến 3m, giá lên tới vài chục triệu đồng. Ông Thành cho biết, để tạo được những cây quất cao và mang hình dáng chiếc lục bình thì cần phải trồng cây từ 3-5 năm. “Do kích thước lớn và kỹ thuật uốn cầu kỳ nên giá mỗi cây lên tới 40 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi chỉ uốn 8 cây, chia làm 4 cặp lộc bình và đã được khách quen đặt mua”, ông Thành nói.

Nông dân ở các tỉnh Nam bộ cũng sáng tạo với những mẫu trái cây “độc”, lạ ra mắt thị trường Tết năm nay. Anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp 2, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đang chuẩn bị các công đoạn cuối cùng để xuất bán số lượng lớn sản phẩm mới của mình ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đó là những trái dừa hồ lô khắc chữ nổi. Tết năm nay, anh Tâm sẽ xuất bán khoảng 3.000 trái dừa này vào dịp Tết. Theo anh Tâm, sản phẩm này là sự kết hợp giữa dừa hồ lô được giới thiệu vào dịp Tết Nguyên đán 2017 (có cải tiến về kỹ thuật, mẫu mã) với công nghệ in chữ nổi hiện đại. Khách hàng các nơi thích lắm nên đặt hàng liên tục” – anh Tâm nói.

Hiện sản phẩm này được anh Tâm bán ra thị trường với giá từ từ 400.000 – 600.000 đồng/trái. Ngoài số lượng sản phẩm mới trên, anh Tâm cũng cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2018 tới, anh còn tung ra thị trường 2.000 trái dừa in chữ thư pháp chìm. Sản phẩm này, anh làm theo đơn đặt hàng của khách.

“Khách cần in chữ gì thì tôi làm chữ đó. Tuy nhiên, phần lớn khách thích chữ tài, lộc, phúc, thọ, vạn sự, như ý… Cũng như các sản phẩm bán Tết khác, dừa in chữ chìm này có nhiều cải tiến về kỹ thuật trong việc tạo khuôn, chữ được thể hiện rõ hơn. Giá sản phẩm này ra thị trường dao động từ 250.000 – 400.000 đồng/trái”, anh Tâm chia sẻ.

Thịt bò khô Lào được người dân ưa chuộng vào những dịp Tết Nguyên đán

Đáng nói, thị trường Tết năm nay ghi nhận nhiều loại “đặc sản” Lào đổ bộ. Như thịt bò, thị trâu khô của Lào với giá từ 750.000-800.000 đồng/kg. Thậm chí, theo một vài tiểu thương buôn mặt hàng này thì nếu như không đặt hàng sớm, cận Tết giá có thể cao hơn vì khan hàng.

“Khoảng 2-3 năm trở lại đây, mỗi dịp Tết người dân lại tìm đến thì bò, trâu khô của Lào để thưởng thức. Mỗi năm tôi cũng chỉ “đánh” vài chuyến mặt hàng này vào dịp Tết, còn ngày thường trong năm cũng khó bán vì giá tương đối cao”, anh Lâm, một chủ hàng chuyên buôn thịt bò, trâu khô của Lào trên phố Khâm Thiên, Đống Đa chia sẻ.

Bên cạnh đó, vào ngày 24-1 tới đây, tại TP.HCM, Lào sẽ kết hợp với UBND TP.HCM tổ chức “Tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Lào tại TP. HCM”. Tại đây sẽ có 100 gian hàng với 139 đặc sản của doanh nghiệp Lào được trưng bày và bán với giá cạnh tranh.

Theo ông Somxay Sanam Oune, Tổng lãnh sự Lào, điểm đặc biệt mà sản phẩm Lào khác biệt so các nước khác là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất. Cùng với đó, người Việt sẽ được mua với giá cả bằng với sản phẩm tại Lào mà không mất bất cứ chi phí vận chuyển nào. Một số đặc sản Lào rất được người Việt ưa chuộng như thịt bò, trâu gác bếp, rượu Lào, bia Lào, gạo và một số thảo dược…