Đã xuất hiện bệnh nhân sởi và rubella

ANTĐ - Mấy ngày gần đây, tại BV Nhi Trung ương cũng như một số phòng khám đông y trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận bệnh nhi đến khám với các triệu chứng của sởi và rubella (sởi Đức). 

Trong số những bệnh nhân bệnh viện vừa tiếp nhận, có 2 cháu mang dấu hiệu điển hình của bệnh này. Thứ nhất là cháu Nguyên Khang (nam) 3 tuổi ở CT4 khu đô thị Sông Đà (Mỹ Đình), với triệu chứng sốt 40 độ C, mắt đỏ, chảy nước mũi, sợ ánh sáng, ở cổ và ngực có những nốt ban đỏ rất đặc trưng của bệnh sởi (đốm Koplik). Trường hợp thứ 2 là cháu Nhật Ánh (nữ), 5 tuổi ở khu đô thị Dịch Vọng, đến khám (sau khi đã khám và mua thuốc tại BV Nhi trung ương) với triệu chứng sốt nhẹ (38 độ 5), người mệt mỏi, nhức đầu, sưng hạch, các nốt ban xuất hiện và lặn nhanh, không có dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi (đốm Koplik), có thể bệnh nhân này bị rubella.

Một số bệnh nhân sởi, rubella gặp biến chứng nặng

Mùa của bệnh sởi

Thời điểm cuối xuân, đầu hè như hiện nay là lúc dịch sởi, rubella thường xuất hiện. Nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên hiện nay số trẻ mắc bệnh sởi đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, bệnh này cũng giống như bệnh rubella có xu hướng diễn biến phức tạp với số bệnh nhân tăng khá cao, trong đó rất nhiều trường hợp biến chứng nặng. Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát - sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Đây là bệnh rất dễ lây lan: Trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus mạnh nhất là vào giai đoạn tiền triệu (giai đoạn xuất tiết), thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc tiếp xúc. Điều đáng nói ở đây là giai đoạn lây lan mạnh xuất hiện vào lúc bệnh chưa được chẩn đoán, do đó chưa có biện pháp phòng ngừa. 

Về triệu chứng, dấu hiệu nhận biết: bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy nước mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau đốm Koplik nổi lên, sau đó bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 40 hay 40,5 độ C. Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

Bệnh sởi thường kéo dài từ 10-14 ngày, bệnh nhân có thể tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tai (xảy ra ở 1 trong 10 trẻ bị sởi); viêm não; sưng phổi (tỷ lệ gặp khoảng 1 trong 20 trường hợp mắc sởi), có thể nguy hiểm chết người; tiêu chảy và ói mửa; phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể hư thai, sinh sớm hay sinh trẻ nặng cân; thiếu tiểu cầu khiến máu khó đông… Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine.

Dễ nhầm giữa sởi với rubella 

Ở nước ta thường gặp 2 dạng bệnh sởi, gây ra bởi 2 loại virus khác nhau. Mặc dù cùng gây phát ban và sốt, song chúng thực sự là 2 loại bệnh khác nhau. Cụ thể, với virus gây bệnh sởi, mặc dù hầu hết người mắc đều qua khỏi, nhưng bệnh có thể gây biến chứng nặng là viêm phổi hoặc viêm não. Còn virus rubella gây ra bệnh sởi Đức, người bệnh thường có bệnh cảnh nhẹ hơn so với bệnh sởi. Tuy nhiên nó lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai bởi có thể khiến thai bị khuyết tật.

Rubella rất dễ lây lan, chủ yếu qua đường hô hấp. Triệu chứng của bệnh rất nhẹ nên khó được phát hiện, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh khởi phát sau 10- 15 ngày kể từ lúc tiếp xúc với người bệnh. Triệu chứng thông thường là mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, sưng hạch kéo dài 1-7 ngày. Những nốt ban màu hồng mịn, bắt đầu từ mặt và nhanh chóng lan xuống thân sau đó xuống cánh tay và chân trước khi biến mất. Ban tồn tại từ 1 đến 5 ngày, nhưng thường gặp nhất là 3 ngày. Trong khoảng thời gian 7 ngày trước phát ban và trong lúc phát ban là thời gian mà người bệnh có khả năng lây bệnh cao nhất. Biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm chủng. 

Về cơ bản bệnh sởi và rubella không quá nguy hiểm và người bệnh có thể tự khỏi, do đó không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, khi bệnh có diễn biến nặng với các triệu chứng ở trên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế điều trị sớm để tránh gặp biến chứng.