Đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém nhất

ANTĐ - Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 22-12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, “Chúng ta đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém nhất trong toàn hệ thống”. 

Xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ giúp người dân tin tưởng vào hệ thống tín dụng

- Theo lộ trình mục tiêu của đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015, phải xử lý dứt điểm và căn bản những tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013. Mục tiêu đó có trở thành hiện thực khi mà chỉ cách đây một tháng, chính Ngân hàng Nhà nước xác định có thêm 8 tổ chức tín dụng, nhà băng yếu kém?

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Theo đúng lộ trình thì nhiệm vụ của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đặt ra trong năm 2013 là xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém nhất có thể là ngòi nổ cho sự đổ vỡ và kéo theo phản ứng dây chuyền cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đến nay, có thể khẳng định rằng, chúng ta đã xử lý được 9 ngân hàng yếu kém nhất trong toàn hệ thống.

Tuy nhiên, đây là một quá trình kéo dài trong nhiều năm, khi chúng ta đã xử lý được những ngân hàng là những mắt xích yếu nhất thì sẽ nâng cấp lên, xử lý những nhà băng mà đến thời điểm này gọi là yếu kém so với quy định mới hiện nay. Và chúng ta tiếp tục cuốn chiếu để đảm bảo rằng, những mục tiêu trung hạn đến 2015 cũng như mục tiêu dài hạn đến năm 2020 của đề án được hoàn thiện.

- Về Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được lập ra để xử lý nợ xấu, một số chuyên gia ví nó chỉ như một cái nhà kho, còn có người thì ví nó như “một cục sâm” các ngân hàng ngậm nó trong quá trình chờ “phẫu thuật”. Thống đốc nghĩ sao về những nhận định này?

- Xử lý nợ xấu là một nội dung rất trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Theo kinh nghiệm của các nước, để xử lý được nợ xấu khi ngân hàng có vấn đề, họ phải chi ra từ 7% đến 30%, thậm chí còn cao hơn nữa từ GDP và số tiền này là tiền của Ngân sách Nhà nước. Do vậy, ở các nước khác, thường nợ xấu được mua bán, xử lý dứt điểm nhưng với một chi phí rất lớn.

Ở nước ta, ngân sách hết sức khó khăn và còn phải phục vụ cho nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội khác, do vậy chưa có điều kiện tập trung ngân sách vào việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, xử lý nợ xấu lại là vấn đề cấp bách. Vậy, chúng ta phải có một mô hình xử lý nợ xấu sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Và, mô hình VAMC của Việt Nam hiện nay đáp ứng được yêu cầu đó.

Thông qua việc xử lý nợ xấu của VAMC, bản thân các tổ chức tín dụng cũng được bơm thêm thanh khoản và từ đó có thêm nguồn vốn cho phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp sau khi đã mua bán lại nợ thông qua VAMC, khoản nợ đó không được tính vào nợ xấu của doanh nghiệp. Bản thân khoản nợ xấu đó sẽ được cơ cấu lại cả về thời hạn cũng như lãi suất. Như vậy, cách thức này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn và có điều kiện để chịu được áp lực tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng nhất của VAMC là tập trung các khoản nợ xấu về một mối để tạo ra thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh nhằm giúp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp cận một cách dễ dàng khi mua bán. Do đó, có thể nói rằng, mô hình VAMC của Việt Nam có khác so với các nước, chưa xử lý dứt điểm được các khoản nợ xấu của hệ thống nhưng sẽ tạo ra một công cụ hết sức thuận lợi cho tất cả các bên gồm nhà băng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

- Năm 2013, với tình hình thị trường vàng, USD khá ổn định thì việc giữ tiền VND có lợi hơn. Liệu trong năm 2014, người dân có thể yên tâm với việc giữ tiền VND như vậy nữa hay không, thưa Thống đốc?

- Suốt 2 năm qua, những ai có tiền gửi đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng đều có lãi, an toàn. Với chính sách kiên định của NHNN, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu đồng bào, nhân dân nào đã có tiền gửi bằng đồng Việt Nam thì hãy nên tiếp tục gửi tiền bằng đồng Việt Nam, cũng như những ai còn đang băn khoăn thì hãy nên sử dụng đồng Việt Nam để gửi vào hệ thống ngân hàng. Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đó cũng là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Tái cơ cấu ngân hàng mới đi những bước đầu

Năm 2013 đánh dấu sự thành công của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ giúp ổn định nền kinh tế. Các ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập, cơ cấu lại. Tuy nhiên, đây mới là bước khởi đầu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. 

Điểm tích cực cho vấn đề nợ xấu là việc NHNN thành lập cơ quan VAMC, đây được xem là chìa khóa để xử lý vấn đề nợ xấu trong tương lai. Ở thời điểm hiện nay, cơ quan này mới chỉ mua nợ từ các ngân hàng còn việc xử lý các khoản nợ đó như thế nào thì vẫn chưa có động thái nào đáng kể. Mặc dù thời gian vừa qua, cơ quan này có thu hồi một số khoản nợ nhưng so với số nợ xấu đã mua vẫn rất ít. 

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR): Giải quyết nợ xấu phụ thuộc vào chính sách cụ thể trong năm 2014

Nợ xấu có thực sự được giải quyết hay không phụ thuộc vào những chính sách cụ thể của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2014. Nếu không có một dòng tiền thật sự chảy vào xử lý các khoản nợ xấu thì vấn đề vẫn chưa ngã ngũ và sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính vẫn là một mối hoài nghi lớn.