"Đã uống rượu bia - Không lái xe": Tuyên truyền phải đi đôi với xử phạt nghiêm khắc

ANTD.VN - Sau khi Báo An ninh Thủ đô tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến: “Đã uống rượu bia - Không lái xe”, nội dung này tiếp tục được bạn đọc gửi câu hỏi tới. Báo An ninh Thủ đô xin tiếp tục trích đăng phần trả lời của các vị khách mời được nhiều bạn đọc quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt nghiêm khắc khi phát hiện lái xe có nồng độ cồn khi lái xe

Bạn đọc Nguyễn Thị Quý ở Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội: “Thời gian qua, tôi thấy rất nhiều chương trình tuyên truyền kiểu uống rượu bia - không lái xe, nhưng các vụ ép rượu, uống rượu rồi lái xe gây tai nạn vẫn xảy ra liên tiếp. Liệu đó có phải là hô hào thời vụ hay không? Xin hỏi làm sao để lời kêu gọi, tuyên truyền đó được lan tỏa, thực sự hiệu quả?

- Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia: Nạn uống rượu bia sau đó lái xe hiện nay không chỉ riêng Việt Nam phải đối mặt mà trên thế giới cũng tương tự, ngay tại các nước phát triển cũng như vậy.

Ví dụ, tại Liên minh Châu Âu, số liệu thống kê chính thức của Chính phủ công bố tỷ lệ những nạn nhân bị thiệt mạng do uống rượu bia so với tổng số vụ TNGT là 11,5%, nhưng con số tại một báo cáo độc lập của Hội đồng ATGT Châu Âu - ETSC thì tỷ lệ này lên tới 25%. Đúng là, nếu chỉ tuyên truyền không thì cũng không đi tới đâu mà chúng ta phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục cơ bản, truyền thông và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng và cần phải được thực hiện trước tiên thường xuyên, liên tục. Có như vậy, số lượng vi phạm sẽ giảm bớt và việc xử phạt mới hiệu quả. 

Về vấn đề tuyên truyền và truyền thông, tôi rất mong sau những sự kiện truyền thông, những người tham gia có thêm kiến thức và từ đó họ tự giác thực hiện những hành động như trong kêu gọi của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình. Đó là tuân thủ quy định, không nể nang, không ép khi uống rượu bia.

Nếu chúng ta tổ chức một sự kiện tuyên truyền và sau đó dừng lại thì hiệu quả sẽ rất thấp. Hoạt động tuyên truyền đó chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta tăng cường việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như hiệu lực thực thi pháp luật. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền và xử phạt phải đồng hành với nhanh, bản chất của công tác xử phạt là giáo dục, răn đe và nếu cần thiết thì chấm dứt vi phạm. 

- Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội: Trong thời gian này, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung tuyên truyền cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính truyền đạt sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức. Để người dân tự giác chấp hành cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các bộ, ban ngành. Đặc biệt trong trường học và trong gia đình của mỗi người dân cần thay đổi thói quen uống rượu bia bởi đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

- Bạn đọc Bùi Tuyết Anh ở  Đông Anh, Hà Nội: “Hiện giờ, các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn ở gần quán bia rượu có được thực hiện nữa không? Tôi thấy  rất nhiều đàn ông vào quán vẫn hò dô rất ghê!?”. 

- Đại úy Đào Việt Long: Phòng CSGT CATP Hà Nội đã bố trí 32 tổ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trong thời gian 24/24h. Vì vậy, mọi hành vi vi phạm khi phát hiện ra qua các phương tiện kỹ thuật (máy đo nồng độ cồn, que thử ma túy) đều bị xử lý. Cơ quan Công an đề nghị mọi người dân khi tham gia giao thông và khi dừng xe để kiểm tra thì chấp hành nghiêm, hợp tác để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

- Bạn đọc Vũ Văn Hiển ở Thạch Thất, Hà Nội: “Người say rượu thường rất ngông nghênh. Xin hỏi khi CSGT dừng lái xe có hơi men để kiểm tra, nếu họ có thái độ không chấp hành, thì CSGT có kiên quyết trấn áp không? Tôi rất ủng hộ việc phải mạnh tay?”.

- Đại úy Đào Việt Long: Mọi hành vi vi phạm quy định Luật Giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, đặc biệt có khả năng gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng thì phải xử lý nhanh chóng, kịp thời. Đối với các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia và chất kích thích, lực lượng CSGT luôn chủ động trấn áp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong kế hoạch tuần tra kiểm soát, chúng tôi chấp hành nghiêm quy trình công tác theo thông tư của Bộ Công an, bố trí lực lượng, công cụ, phương tiện hợp lý để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi có chuẩn bị các phương án cho các trường hợp cụ thể như: người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, chống đối cố tình điều khiển phương tiện bỏ chạy hoặc lao xe vào tổ công tác...