Đã trưng cầu thì phải thực hiện theo ý dân

ANTĐ - Ngày 12-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân. 

Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí cao với nội dung Quốc hội chỉ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề như: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Nội dung được ĐBQH quan tâm góp ý nhiều nhất là hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Đa số ĐBQH đề nghị dự thảo luật cần chỉnh lý theo hướng làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và thực hiện kết quả trưng cầu ý dân. 

Theo đó, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và mọi cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân. ĐB Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đề nghị trong luật phải ghi rõ: “Nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị pháp lý đặc biệt, vì đây là việc nhân dân quyết định, cao hơn các quyết định của Quốc hội. Hiện ở dự thảo luật, tôi thấy vấn đề này tuy đã được thể hiện trong một Nghị quyết của Quốc hội nhưng giá trị của kết quả trưng cầu chỉ như một nghị quyết thông thường khác là không được”. 

Để kết quả trưng cầu ý dân đạt được hiệu quả cao nhất, trí tuệ nhất, ĐB Bùi Mạnh Hùng góp ý thêm, trước khi đưa ra trưng cầu ý dân một nội dung nào đó thì phải đồng thời với Quốc hội, cơ quan chức năng phải thông tin, tuyên truyền chính thức tới người dân đầy đủ về các phương án vấn đề trưng cầu để người dân hiểu và chủ động lựa chọn. Bởi chỉ có cung cấp thông tin tốt thì mới tăng chất lượng cử tri tham gia quyết định vấn đề hệ trọng của đất nước.

Ngoài ra, ĐB Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) góp ý, dự thảo luật này phải tính đến việc đảm bảo khả thi trong trường hợp có tình huống đột xuất cần phải trưng cầu ý dân như vấn đề về: quốc phòng, an ninh chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, biên giới, biển đảo, đối ngoại.