Đã tìm thấy tế bào thần kinh gây ngứa

ANTĐ - Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã tìm thấy các tế bào thần kinh gây ngứa, kết quả được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience cho biết.

Ngứa mãn tính có thể xảy ra ở các bệnh ngoài da, đặc biệt là eczema (bệnh chàm bội nhiễm), cũng như trong các cơ quan nội tạng. Ngứa dẫn đến gãi để lại thương tích rồi cũng có thể nhiễm trùng và thành sẹo. Trầm trọng hơn ngứa khiến con người có thể mắc chứng mất ngủ và các rối loạn liên quan đến hệ thống thần kinh. Trong nhiều năm qua các nhà khoa học đã không thể xác định được cụ thể loại tế bào thần kinh nào kích thích cảm giác ngứa. Trước đây đã từng có lúc các chuyên gia cho rằng cảm giác “đau” và “ngứa” là xuất phát từ cùng một tế bào thần kinh nhưng vì chúng thuộc các bên khác nhau của não nên dẫn đến các cảm giác khác nhau.

Nhóm nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tế bào thần kinh MrgprA3 +. Chính đoạn cuối của các sợi thần kinh được phân bố dưới da đã cho phép các nhà khoa học khẳng định rằng MrgprA3 + có thể phản ứng với các kích thích ngứa. Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà khoa học đã tạo ra những con chuột có sợi thần kinh có thể phát sáng khi cử động. Sau đó để chúng tiếp xúc với các chất kích thích khác nhau gây ra ngứa. Và trong trường hợp này chính MrgprA3 + đã khiến các sợi thần kinh trong con chuột phát sáng. Tiếp tục thử thí nghiệm với cảm giác “đau” thì kết luận chỉ ra rằng MrgprA3 + chỉ chịu trách nhiệm với phản ứng ngứa.

Phát hiện này cho phép tìm kiếm các loại thuốc đặc trị giúp giảm bớt tổn thương của các bệnh nhân bị bệnh vẩy nến, eczema và bệnh tiểu đường.