Dã tâm của Trung Quốc và thị trường béo bở từ ma túy “đá”

ANTĐ - Gần một thập niên trở lại đây, các băng nhóm Trung Quốc cung cấp cho tổ chức ma túy ở Mexico các chất thành phần để tạo thuốc kích thích Methamphetamine (còn được gọi là “meth”, “pha lê”, và “đá”). Đối với Mexico, đây là một tội ác tiếp tay cho tội phạm ma túy, và gây bất ổn cho quốc gia này. Còn đối với Trung Quốc, đây lại là một thị trường béo bở, bằng thái độ “thờ ơ, vô trách nhiệm” khi cho rằng sự lưu hành của các tiền chất có trong “meth” là vấn đề của giới hải quan Mexico, chứ không phải mối bận tâm của Trung Quốc.

Hám lợi 

Năm 2001, trước khi có quy định điều chỉnh về tiền chất Ephedrine và Pseudoephedrine, bột Pseudoephedrine thường được vận chuyển tới Mỹ và Canada với khối lượng lớn. Lúc này, với khối lượng xuất khẩu 170  tấn, Trung Quốc mới là nhà cung cấp tiền chất sản xuất ma túy “đá” đứng thứ 3 sau Đức và Ấn Độ. Nhưng sau khi quy định điều chỉnh nói trên được tiến hành, số lượng các phòng pha chế “meth” ở Mỹ giảm gần 4 lần. Tuy nhiên, đến năm 2007, con số này lại bắt đầu tăng lên nhanh chóng.

Theo nhận định của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm các quốc gia (nhất là Mỹ và Mexico), đằng sau sự gia tăng này là việc phục hồi của chuỗi cung ứng các tiền chất của “meth” từ Trung Quốc. Ngoài ra, bản đồ đường buôn lậu năm 2008 của Stratfor - Tổ chức Tình báo tư nhân chuyên nghiên cứu và phân tích các vấn đề địa chính trị trên toàn cầu ở Austin, bang Texas cho thấy: Chất Ephedrine được vận chuyển từ Trung Quốc đến miền Nam Mexico, thông qua câu kết giữa các băng đảng khét tiếng ở Hồng Kông (Trung Quốc) - tổ chức hoạt động theo hình thức hội Tam Hoàng như băng 14K, băng Sun Yee On. Các băng này nhập tiền chất ma túy Ephedrine, Ethyl Phenylacetate từ hàng chục nghìn công ty hóa chất ở Trung Quốc rồi xuất sang châu Mỹ. Stratfor phân tích, qua cửa ngõ Hồng Kông (Trung Quốc), băng Sinaloa nhận được nguyên liệu sản xuất ma túy. Tại đây, băng này cũng mở cứ địa sản xuất ma túy mới ngoài Guatemala. Nhân công rẻ, gần thị trường tiêu thụ châu Á đang béo bở giúp Sinaloa tiết kiệm khoản tiền lớn vận chuyển ma túy thành phẩm từ châu Mỹ sang đây.

Việc Trung Quốc cung cấp các chất hóa học thành phần để sản xuất ma túy “đá” đã là vấn đề được các quan chức Mexico ưu tiên hàng đầu khi kiến nghị với Trung Quốc - theo Jorge Guajardo, Đại sứ Mexico tại Trung Quốc giai đoạn 2007 - 2013.

Phát biểu trên tờ South China Morning Post của Hồng Kông (Trung Quốc), cựu Đại sứ J.Guajardo nói: Trước khi ông đến Trung Quốc, chỉ thị đầu tiên mà ông nhận được từ Tổng chưởng lý Mexico là vấn đề các chất hóa học từ Trung Quốc được chuyển đến Mexico. Tuy nhiên, kết quả chẳng đi đến đâu. Phái đoàn của ông chưa bao giờ nhận được sự hợp tác nào từ phía Trung Quốc. Đến mức tất cả các quan chức Chính phủ của Mexico khi sang thăm Trung Quốc đều đề nghị Trung Quốc về vấn đề này. Nhưng giới chức Trung Quốc cho rằng sự lưu hành của các tiền chất có trong “meth” là vấn đề của giới hải quan Mexico, chứ không phải mối bận tâm của Trung Quốc. 

Phản ứng trước thái độ “thờ ơ, vô trách nhiệm” của chính quyền Trung Quốc, Tiến sĩ Robert Bunker - Giáo sư thỉnh giảng và Chủ tịch Minerva của Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Chiến tranh Quân đội Hoa Kỳ gay gắt chỉ trích: Trong khi các quan chức Mexico coi đây là vấn đề hàng đầu với Trung Quốc, thì giới cầm quyền Trung Quốc lại không hề hợp tác. Tóm lại, tất cả chỉ là vì tiền bạc. Ở Trung Quốc, kinh doanh và tham nhũng đi liền với nhau.

Theo Tiến sĩ Bunker, việc Trung Quốc buôn lậu các tiền chất hóa học để sản xuất ma túy “đá” cho các băng đảng ma túy ở Mexico; đối với Mexico, đây là một tội ác tiếp tay cho tội phạm ma túy, và gây bất ổn cho quốc gia. Còn đối với Trung Quốc, nó lại là một thị trường béo bở. “Đơn giản có thể nói rằng nhiệm vụ chiến lược của họ là đạt được lợi nhuận khổng lồ cho hệ thống kinh tế của mình. Trong nhiều trường hợp, nó thể hiện sự hám lợi, chỉ muốn thu lợi về mình, và ăn cướp. Điều đó dễ hiểu tại sao các quan chức Chính phủ Trung Quốc lại phản bác rằng các tiền chất hóa học là hợp pháp nhưng lại bị các công dân Mexico sử dụng cho những mục đích phi pháp của họ” - Tiến sĩ Bunker vạch rõ bộ mặt của Trung Quốc.

Xuất khẩu với quy mô công nghiệp

Trong khi buôn lậu tiền chất để sản xuất ma túy “đá” gắn liền với tội phạm có tổ chức, thì tham nhũng trong Chính phủ Trung Quốc cũng bị chỉ trích gay gắt.

Năm 2008, chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã khuyến khích nông dân trồng ma hoàng và hứa hẹn hơn 64% lợi nhuận. Ma hoàng, còn được gọi là Ephedra Sinica, được sử dụng trong dược phẩm truyền thống Trung Hoa, và là một nguồn tự nhiên của chất Ephedrine.

Trên thực tế, đã có một vài cuộc đột kích của cảnh sát nhằm vào “meth”, bao gồm cả những vùng nơi chủ yếu trồng ma hoàng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ theo đuổi các thành phẩm mà “bỏ sót” những nguyên liệu cho xuất khẩu.

Nguy hiểm hơn, khi nguyên liệu điều chế ma túy “đá” không còn lệ thuộc nhiều vào thành phần của cây thuốc phiện. “Tam giác vàng” khi xưa tại Đông Nam Á nay đã nhường bước cho một “Tam giác vàng” mới xuyên Thái Bình Dương với quy trình sản xuất, điều hành tinh vi: ma túy được sản xuất và xuất khẩu với quy mô công nghiệp.

Về sự kiện cuối tháng 12-2013, Trung Quốc huy động cảnh sát đột kích làng Bác Xã, TP Lục Phong, tỉnh Quảng Đông triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh ma túy, Giáo sư Karen Laidler - Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định: Các cơ sở sản xuất ma túy tại Trung Quốc ngày càng quốc tế hóa hoạt động của họ. Vụ sản xuất ma túy tại Quảng Đông rất có thể sản phẩm phần lớn được xuất khẩu sang các nước khác, với mối liên hệ với 80.000 nhà máy sản xuất hóa chất, hàng trăm cảng biển và sự giúp sức đắc lực của các băng nhóm ở Trung Quốc.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bunker cũng cho rằng: “Việc bán các tiền chất trong “meth” cho các băng đảng Mexico có vẻ là một hoạt động được đồng tình và đầy lợi nhuận đối với Trung Quốc; việc sản xuất “meth” trong quốc nội có thể không hoàn toàn được khuyến khích, khi mà hàng trăm phòng pha chế “meth” bị đột kích ở tỉnh Quảng Đông và những vùng khác ở Trung Quốc trong vài năm qua. Và rằng, chính quyền Trung Quốc coi việc buôn bán các chất thành phần “meth” vào Mỹ và Mexico là “một kết quả có thể chấp nhận được, nhưng lại hoàn toàn cấm công dân Trung Quốc sử dụng loại chất này do tác dụng gây nghiện và suy nhược cao của nó”.

Theo báo cáo mới công bố ngày 20-5 mới đây của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, nguồn cung methamphetamine tiếp tục tăng nhanh tại châu Á - với lượng thu giữ methamphetamine trong năm 2012 tăng gấp 3 lần, lên tới 36 tấn, so với năm 2008 chỉ có gần 12 tấn bị thu giữ.
Riêng Trung Quốc có khối lượng thu giữ tăng nhanh lên tới 16 tấn, chiếm gần 45% tổng khối lượng thu giữ các chất kích thích dạng amphetamine (ATS) trong năm 2012 tại châu Á.

Báo cáo cũng chỉ ra, tăng cầu về methamphetamine tại thị trường châu Á và nhu cầu về các chất kích thần kinh mới gần đây đều được các cơ sở sản xuất lớn tại khu vực lân cận Trung Quốc, Myanmar và Philippines cung cấp.