Đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bà Đỗ Thị Phương Lan- Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH-ĐT) cho biết, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), tăng 2 bậc so với trước đó.
Nhiều doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu

Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, năm 2023, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.

Trên thực tế, đổi mới sáng tạo tạo nên sự thay đổi rõ rệt với từng doanh nghiệp. Ông Vương Đình Vũ – Giám đốc BuyMed, Hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho hay, ngành dược đã giúp các khách hàng là khoảng hơn 30.000 nhà thuốc và phòng khám, tiết kiệm 75% thời gian; 80% vốn lưu động và 50% chi phí vận chuyển.

Theo bà Trịnh Thị Hương- Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), Cục Phát triển doanh nghiệp đã xây dựng Cổng thông tin Chương trình tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn. Nhờ đó, đã có hơn 2 triệu lượt truy cập; Hơn 5.000 doanh nghiệp tự đánh giá, liên tục cập nhật theo thời gian thực.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song theo bà Đỗ Thị Phương Lan, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi đổi mới sáng tạo.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ chương trình còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp; Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Phân tích sâu bảng xếp hạng GII từ năm 2017 đến năm 2023 cho thấy, hạn chế lớn trong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và nghiên cứu; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Một bộ phận lớn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao.

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2023 cũng nêu, đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021.

Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%.

Đáng chú ý, 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng.

Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu. Vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ KH-ĐT) cho rằng, hoạt động đổi mới sáng tạo cần tập trung vào 4 lĩnh vực: Ngành nông nghiệp; Ngành dịch vụ; Ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông với các nhóm giải pháp như phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới;

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Ông Phan Thanh Hà - Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ KH-ĐT) cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ vừa vừa nói riêng thực hiện đổi mới sáng tạo, hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng sau: doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị.

Hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các doanh nghiệp trên theo 4 hình thức: Cho vay trực tiếp; Cho vay gián tiếp; Tài trợ vốn; Hỗ trợ tăng cường năng lực.