Đã rõ vì sao 7 lần vỡ đường ống nước sông Đà về Hà Nội

ANTĐ - Tối 18-6, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã cho biết kết quả kiểm định xác định nguyên nhân sự cố liên tiếp vỡ đường ống nước sông Đà.

Vỡ liên tiếp do chất lượng ống

Cụ thể, trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc, thí nghiệm, phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân trực tiếp gây vỡ tuyến ống truyền tải nước Sông Đà được xác định do “chất lượng của ống không đồng đều”.

Tại một số vị trí của ống có hiện tượng bong rộp, tách lớp, một số chỉ tiêu cơ lý không đảm bảo dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực cục bộ của đường ống. Thiếu các yêu cầu kỹ thuật đối với việc sản xuất, thi công lắp đặt ống theo tiêu chuẩn áp dụng.

Ngoài ra, đường ống đã chịu tác động bất lợi trong quá trình thi công, lắp đặt. Tại một số vị trí xuất hiện tảng đá, bê tông lẫn vào lớp cát đệm xung quanh ống làm mất ổn định của ống. Một số khu vực có hầm chui dân sinh không có các tấm đan bảo vệ ống dẫn đến giảm khả năng chịu tải của tuyến ống trước tác động của tải trọng bên ngoài. Có nhiều đoạn ống bị hư hỏng và phải thay thế do các nguyên nhân như: rơi khi vận chuyển, va đập với máy xúc, bị đá rơi vào, đẩy nổi khi lắp đặt, sạt trượt hố móng...

Đường ống vỡ còn do một số nguyên nhân gián tiếp như ảnh hưởng của việc thi công xây dựng tuyến đại lộ Thăng Long, đường ngang dân sinh sau khi đường ống đã được thi công lắp đặt và tải trọng do các phương tiện giao thông trên đại lộ Thăng Long, đường ngang, đường dân sinh tác động lên ống; hạn chế về kinh nghiệm trong thiết kế, gia công chế tạo, thi công đường ống dẫn nước sạch bằng composite cốt sợi thủy tinh ở Việt Nam.

Về giải pháp, Bộ Xây dựng yêu cầu, các đơn vị liên quan phải kiểm soát áp lực và lưu lượng của toàn tuyến nói chung để có thể phát hiện sự bất thường trong hệ thống sớm hơn ngay từ các chỉ số trên các thiết bị kiểm soát. Cùng với đó, phải có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất khi sự cố xảy ra và thiết lập hệ thống đấu nối đồng bộ với các nguồn cấp nước khác để giảm việc mất nước cục bộ.

Về lâu dài, Vinaconex cần nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II trong thời gian nhanh nhất có thể để đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng và phát triển đô thị.

Là chủ đầu tư, Vinaconex phải chịu trách nhiệm chính cho nhưng sai sót của dự án

Vinaconex phải chịu trách nhiệm chính

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, chủ đầu tư dự án (Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex) cần tổ chức, thống nhất xác định mức độ trách nhiệm đối với các chủ thể có liên quan. Về trách nhiệm, Bộ Xây dựng chỉ rõ, đơn vị tổng thầu thiết kế đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, cũng như không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.

Trong khi đó, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách lớp tại một số vị trí. Các nhà thầu thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm trong công tác thi công khi để một số dị vật như đá khối lớn, bê tông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh ống; thiếu tấm đan dàn tải tại một số hầm chui dân sinh; để ống chịu tác động bất lợi trong quá trình vận chuyển, cẩu dựng, lắp đặt. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng đã không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm đã để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng.

Cuối cùng, Bộ Xây dựng chỉ rõ: “Tổng Công ty Vinaconex phải chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.

Trước đó, ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư đường ống nước sạch sông Đà cho biết, suốt 2 năm qua, dù đã phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng tới nay, chủ đầu tư dự án (Tổng Công ty CP Vinaconex) vẫn không trả lời được câu hỏi vì sao đường ống liên tục bị vỡ.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm khi liên tiếp để xảy ra sự cố, ông Hoàng Thế Trung nói: “Phải thấy rõ được nguyên nhân vì sao vỡ mới có được biện pháp khắc phục và khi đó, sẽ biết sai sót ở khâu nào, do tổ chức, cá nhân nào. Từ đó, mới biết được trách nhiệm thuộc về ai và việc xử lý như thế nào sẽ thuộc cơ quan có thẩm quyền”.

Đêm 17-6, đường ống nước sông Đà lại bị vỡ tại khu vực Km25 Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt Đồng Chúc (đoạn qua huyện Thạch Thất – Hà Nội). Đây là lần thứ 7 kể từ khi đường ống này đi vào vận hành và cung cấp nước sạch cho người dân nội thành Hà Nội bị vỡ. Mỗi lần như vậy, khoảng 70.000 hộ dân thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam – Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì bị ảnh hưởng.