“Đã là bác sỹ thì ở đâu cũng có bệnh nhân cần cứu giúp”

ANTĐ - Công tác chữa bệnh cứu người vốn đã nhiều áp lực, đối với các thầy thuốc - công an làm việc trong trại giam, công việc ấy còn nặng nề hơn rất nhiều, thậm chí họ còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, đe dọa… Thế nhưng, với tấm lòng và trách nhiệm của người lính khoác áo blouse, họ vẫn âm thầm cống hiến để cứu bệnh nhân ở nơi mà không nhiều người muốn đến. Bác sỹ, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá Trưởng Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội là một trong những người như thế.

“Đã là bác sỹ thì ở đâu cũng có bệnh nhân cần cứu giúp”  ảnh 1“28 Tết tôi được chuyển tới đây, may có bác sỹ Hải tận tình cứu chữa, 
đến nay tôi đã sắp bình phục” - phạm nhân Lê Văn Tuân, bị viêm phổi nặng xúc động nói

Những ca bệnh khó quên

Năm 1996, mới ra trường khi vừa tròn 22 tuổi, bác sỹ trẻ Nguyễn Thanh Hải được giao nhiệm vụ tại Bệnh xá Trại Tạm giam số 2, CATP Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, nửa đêm anh đã gặp ngay trường hợp phạm nhân ho ra cả máu lẫn đờm gần ngang chậu thau… Bác sỹ Hải đã phải căng mình vận dụng hết những kiến thức đã học mới cầm máu được cho phạm nhân. “Sức sống của con người thật mãnh liệt. Lúc cứu sống được phạm nhân đó, đôi bàn tay tôi vẫn còn chưa hết run…”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải nhớ lại những ngày mới vào nghề.

39 tuổi đời, 18 năm làm tại Bệnh xá Trại tạm giam số 2, bác sỹ - Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải không thể nào quên những ca bệnh có lẽ cũng chưa từng có trong sách giáo khoa. Năm 2004, khi tiếp nhận một phạm nhân đang bó bột xương đùi từ nơi khác chuyển đến, phát hiện có mùi lạ, bác sỹ Hải đã mở bột ra kiểm tra. 1/3 phần đùi đã bị hoại tử nhẹ, có không ít giòi chui ra từ miệng vết thương. Khi chuyển đến các viện, phạm nhân không được nhận vì lý do nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, lại không có người thân. Về lại bệnh xá, bác sỹ Hải đã suy nghĩ và áp dụng phương pháp đắp, rửa hàng ngày, khâu dần… Chỉ trong 2 tháng, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn.

Y học có rất nhiều phép màu

Vào thăm con bị ốm, có những ông bố, bà mẹ khi tận mắt nhìn thấy những thân hình lở loét bị tàn phá vì căn bệnh AIDS ở giai đoạn cuối thì sợ hãi, phó mặc hoàn toàn việc chăm sóc các bác sỹ trong trại giam. Các phạm nhân này cũng chán nản, sẵn sàng tự thương, tự sát, đe dọa tấn công quản giáo và bác sỹ. Nhưng với cái tâm của người bác sỹ mặc áo lính, không chỉ chữa trị những vết thương bên ngoài, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải còn là một “bác sỹ tâm hồn”. Đến như H “mèo”, một tay giang hồ cộm cán nhiễm HIV, đã từng đe dọa, chống đối Thiếu tá Hải, mà khi ra tù lại gọi điện không ngừng chỉ để nói câu xin lỗi. “Nói chuyện, thậm chí đôi khi chỉ cần biết lắng nghe và quan trọng nhất là mình phải cư xử đúng với tình cảm giữa con người với nhau thì tôi nghĩ không gì là không làm được. Y học có rất nhiều phép màu cũng là vì thế”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Trực từ 30 đến mùng 3 Tết vừa qua, chăm sóc 30 phạm nhân; người già nhất 62 tuổi, người trẻ nhất 19 tuổi,  Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải cho biết, giờ bệnh xá mới có thêm 2 bác sỹ, nhưng Tết vừa rồi anh vẫn trực cả 3 ngày bởi theo người bác sỹ nặng tình người này: “Gần 30 phạm nhân đang nằm bệnh xá, tôi về cũng không yên tâm”. 

Bác sỹ trại giam với đặc thù quanh năm ở cùng phạm nhân là công việc không phải ai cũng muốn đảm nhận. 9 năm, chỉ một mình bác sỹ Hải phụ trách cả bệnh xá, chăm lo sức khỏe cho trung bình 1.700 phạm nhân/năm, với  khoảng 130 bệnh nhân vào ngày cao điểm. Đã từng có không ít người là đồng nghiệp của anh trong trại giam, nhưng người lâu thì cũng chỉ được 3 năm, người nhanh thì chỉ 2 tháng rồi đi, còn anh vẫn gắn bó với bệnh xá của trại vì đã xác định đây là nghiệp phải theo và làm tròn trách nhiệm của mình. “Nghề chọn tôi đấy chứ, giờ không muốn đi đâu vì day dứt với những số phận con người lắm! Đã là người bác sỹ thì ở đâu cũng có những người bệnh nhân đang cần tới mình cứu giúp. Tôi vẫn nói với đồng nghiệp và phạm nhân rằng, ngày nào tôi còn làm việc thì các anh cứ yên tâm. 18 năm nay chưa từng có phạm nhân nào chết tại bệnh xá này đâu nhé. Ở đây, phải có cái tâm mới làm việc tốt được”, bác sỹ - Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.