Đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân

ANTD.VN - "Trong năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng... tăng hơn hai lần so với năm trước", báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri cho hay.

Sáng 4-6, trước khi bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã nghe Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo cho biết thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri, trong đó có 1.993 kiến nghị (chiếm 95%) liên quan tới công tác điều hành của Chính phủ, tập trung vào 9 nhóm vấn đề.

"Có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo

Theo báo cáo, trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ 4 và thứ 5, đã có 162 kiến nghị của cử tri được nhiều bộ, ngành tích cực, xem xét, giải quyết dứt điểm, cụ thể: ban hành 37 văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra để xử lý một số vi phạm theo kiến nghị, phản ánh của cử tri...

Trong năm 2017, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.539 cuộc thanh tra hành chính và 237.284 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế 67.754 tỷ đồng, 17.586 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 24.253 tỷ đồng, 12.645 ha đất; ban hành 148.026 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 2.924 tỷ đồng...

"Đặc biệt đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng... tăng hơn hai lần so với năm trước", bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri

Trước phản ánh của cử tri, Bộ NN&PTNT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc khai thác rừng, đã phát hiện 16.531 vụ vi phạm, giảm 4.933 vụ (23%) so với cùng kỳ năm 2016; diện tích rừng thiệt hại là 4.451 ha, giảm 3.148 ha (68%) so với cùng kỳ năm 2016; xử phạt hành chính 12.896 vụ, xử lý hình sự 292 vụ, giảm cả về quy mô và số lượng vụ việc vi phạm.

Bộ TN&MT phối hợp với địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó, hơn 3.000 buổi kiểm tra khai thác cát lậu, đã xử phạt vi phạm hành chính 2.000 trường hợp...

Bộ Y tế đã tiến hành 15 đoàn thanh tra đối với 59 cơ sở, trong đó có 15 cơ quan quản lý nhà nước; 12 cơ sở khám, chữa bệnh và 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở, với tổng số tiền là 241 triệu đồng...

Về việc triển khai tổ chức thực hiện một số chính sách, pháp luật theo kiến nghị của cử tri, báo cáo cho biết Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, để lãng phí đất, qua soát đã đưa vào sử dụng khoảng 78.000 ha, trong đó có nhiều khu đất có giá trị...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện, theo đó, hàng nghìn thủ tục hành chính và gần 3.000 điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được các bộ, ngành và các địa phương cắt giảm và cam kết cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kiểm tra việc triển khai thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 5.606 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 88 đơn vị có vi phạm... 

Đánh giá nhiều tồn tại hạn chế nêu tại báo cáo kỳ trước đã được quan tâm giải quyết, báo cáo dẫn chứng: ”Để kiểm tra, xử lý những hành vi, thái độ của cán bộ, công chức chưa đúng mực khi tiếp dân, trong giải quyết thủ tục hành chính mà cử tri phản ánh nhiều tại kỳ trước... nhiều địa phương đã tăng cường công tác thanh tra công vụ, triển khai nhiều biện pháp để thường xuyên giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, chẳng hạn như TP Hà Nội đã lắp camera tại mọi địa điểm thực hiện thủ tục hành chính “một cửa”, “một cửa liên thông”; thí điểm cấp địa chỉ email cho các hộ gia đình, qua đó cung cấp nhiều thông tin cho người dân hỗ trợ người dân thực hiện một số thủ tục hành chính, từng bước nâng dần mức độ hài lòng của người dân".

Tuy nhiên báo cáo cũng nhìn nhận, mặc dù đã tích cực và rất nỗ lực trong việc tiếp thu và giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị của cử tri, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như thiếu kinh phí, nguồn lực, hoặc cần có thêm thời gian để tổng kết, đánh giá thực tiễn... nên còn 357/2.099 kiến nghị cử tri đã được các bộ, ngành tiếp thu, đang giải quyết.

Báo cáo chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri như: Chất lượng trả lời một số kiến nghị còn bất cập; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật , sửa đổi các văn bản pháp luật còn chậm, không phù hợp thực tiễn; việc áp dụng một số văn bản pháp luật vào thực tiễn còn bất cập, nhưng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời còn chưa thấu đáo; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được kịp thời, hiệu quả; việc giải quyết một số tồn tại hạn chế đã nêu tại báo cáo kỳ trước còn bất cập.