Đã hàn khẩu đê bao hữu Bùi, mực nước đang rút dần

ANTD.VN - Thông tin tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 17-10, Sở NN&PTNN Hà Nội cho biết, đến 16-10 đã hàn khẩu xong vị trí đê bao hữu Bùi (đê hữu Bùi 2) xảy ra sự cố. Hiện diễn biến sự cố không phát triển thêm, mực nước đã rút dần.

Đã hàn khẩu đê bao hữu Bùi, mực nước đang rút dần ảnh 1

Đến 16-10, đã hàn khẩu xong vị trí đê bao hữu Bùi (đê hữu Bùi 2) xảy ra sự cố

Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong ngày 10 đến 12-10-2017, trên địa bàn TP Hà Nội có mưa trên diện rộng, lượng mưa trong 3 ngày trung bình đạt 167,8mm, điểm mưa trung bình lớn nhất tại Quảng Oai (huyện Ba Vì) đạt 342,6mm. Ngoài ra, mưa lớn ở vùng núi Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đạt 500-600mm khiến lượng nước dồn về sông Bùi và sông Tích lớn.

Địa bàn huyện Chương Mỹ, khu vực hữu Tích, hữu Bùi xẩy ra tình trạng ngập úng, nước tràn nhiều tuyến bờ bao và gây một số sự cố công trình. Trong đó, nghiêm trọng nhất là sạt mái và lún đoạn đê bao hữu Bùi (đê hữu Bùi 2) thuộc thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở NN&PTNT, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ nắm bắt tình hình, huy động lực lượng, thiết bị máy móc, vật tư để xử lý sự cố, ngăn chặn diễn biến sạt lở, sự cố không có thiệt hại về người.

Đến ngày 16-10, việc hàn khẩu vị trí đê bao xảy ra sự cố đã thực hiện xong. Hiện diễn biến sự cố không phát triển thêm, mực nước đã rút dần. Sở NN&PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi và tổ chức khắc phục sự cố công trình.

Thông tin thêm tại buổi giao ban báo chí, ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Nội cho biết, đê hữu Bùi có chiều dài 18,6km và hệ thống bờ bao hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ có tác dụng ngăn lũ nội tại sông Bùi và lũ rừng ngang từ khu vực núi tỉnh Hòa Bình chuyển về.

“Sự cố xảy ra ở hữu Bùi, trực tiếp là đê vùng bao (hữu Bùi 2) cao trình xấp xỉ +7m. Đây là một đê bao của đê Bùi, bao cho 3 xã của huyện Chương Mỹ là Tân Tiến, Nam Phương Yên và Hoàng Văn Thụ với phạm vi khoảng 900ha, đa số là vùng thủy sản, vùng trũng với hơn 1 vạn dân”, ông Trần Thanh Nhã cho hay.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm: “Vùng này vẫn là vùng chậm lũ, phòng lũ cho sông Hồng khi cần cấp cứu. Chúng tôi vẫn nói nôm na rằng như một chiếc “cầu chì” để bảo vệ hệ thống sông Hồng nói chung trong đó bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội nói riêng”, ông Trần Thanh Nhã thông tin.

Theo ông Trần Thanh Nhã: “Đê hữu Bùi là đê bao vùng chỉ có nhiệm vũ chống lũ rừng ngang bảo vệ an toàn cho đường đi. Đặc biệt, nếu mực nước sông Bùi lên trên báo động 2 sẽ hoàn toàn là nước sẽ tự tràn. Hữu Bùi có hơn 18km thì đợt mưa lũ vừa qua có gần 10km bị tràn. Ngoài ra, có 4,3km đê hữu Bùi 2 là đê bao vùng bên ngoài có cao trình thấp hơn, nước tràn toàn bộ. Đê hữu Bùi 2 là đê đất, cột nước tràn xấp xỉ 60cm, hơn 1 ngày sau vẫn chưa rút được mực nước”.

“Đê là đê đất, trong khi đó, từ ngày 7-10 thân đê cơ bản đã bão hòa nước nên rất yếu, không may xói chân, lở đoạn hữu Bùi 2 ở xã Trần Phú, xói dần, xói dần cho đến cuối cùng có thể gọi là vỡ. Nhưng vỡ đấy không phải nằm ngoài phán đoán. Nếu tràn như thế, với thời gian như thế thì chưa xác định được sẽ bục lúc nào. Rất may phương án hộ đê năm 2017 của TP, trong đó có đê hữu Bùi, đặc biệt phương án của huyện Chương Mỹ cũng rất chu đáo”, ông Trần Thanh Nhã nêu rõ.

Đại diện Sở NN&PTNN Hà Nội khẳng định: “Sự cố xảy ra, khoảng 1h đêm nước tràn qua thì khoảng 6h sáng đã nhận được sỏi và trong ngày đã tập kết được phương tiện và vật liệu để cố gắng hàn khẩu trong thời gian nhanh nhất. Đến ngày hôm sau đã hàn khẩu, và ngày hôm sau nữa đã hoàn chỉnh để nước không thấm vào, hiện đã cơ bản đã ổn định. Mừng nhất là xói chân gây vỡ, bục không mở rộng”.

Đại diện Sở NN&PTNN Hà Nội cho rằng, để giữ được sự ổn định, không lan rộng cho thấy sự chuẩn bị về phương án, vật tư, vật liệu, con người...

Ông Trần Thanh Nhã cho hay: “Khi mực nước đến báo động 1 và 2 chúng tôi đã báo cho nhân dân được biết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Do vậy, nhân dân đã sơ tán kịp thời, nước chỉ gây thiệt hại cho nông sản và nhà cửa của người dân”.

Trước những băn khoăn về việc nhiều người dân ở khu vực đê hữu Bùi 2, không nhận được thông báo khi mực nước lên báo động 1 và 2, ông Nhã cho biết, các thông báo đã được phát đi. Tuy nhiên, có thể trong tình hình mưa lụt một số hộ dân không nhận được thông báo.