Đa dụng hồng bì

(ANTĐ) - Quả hồng bì vừa rẻ vừa là vị thuốc dân gian rất tốt, từ cây, lá, rễ, vỏ, hạt chẳng bỏ đi thứ nào, đều là vị thuốc có tác dụng chữa bệnh...

Đa dụng hồng bì

(ANTĐ) - Quả hồng bì vừa rẻ vừa là vị thuốc dân gian rất tốt, từ cây, lá, rễ, vỏ, hạt chẳng bỏ đi thứ nào, đều là vị thuốc có tác dụng chữa bệnh...

Lá quất hồng bì có vị cay, đắng, tính bình, có tác dụng giải cảm, hạ sốt... lấy khoảng 30 gam lá phơi khô, sắc uống cho ra mồ hôi chữa cảm nắng rất tốt. Không chỉ vậy, các chị em còn có thể dùng lá hồng bì để đun nước gội đầu, vừa trơn tóc vừa sạch gầu.

Vỏ thân cây hồng bì kết hợp vài vị thuốc khác dùng cho phụ nữ sau sinh. Quả hồng bì có vị chua, hơi ấm, có tác dụng giảm ho, long đờm và cầm nôn mửa. Nếu bạn bị buồn nôn có thể lấy quả hồng bì tươi nhai cả vỏ, nuốt nước dần dần, cảm giác buồn nôn sẽ giảm hẳn. Đặc biệt em bé nhà bạn mà bị nấc thì bạn lấy quả quất hồng bì chín dầm với một thìa mật ong rồi hấp lên sau đó pha nước uống cũng rất hiệu nghiệm.

Nếu có bị ho thì cũng rất đơn giản, chỉ cần lấy quả hồng bì tươi, hấp với đường, ăn vào ho sẽ giảm hẳn. Đặc biệt  đối với bệnh ho gà có một bài thuốc như thế này: Lấy quả hồng bì phơi khô, bỏ hạt (50g), vỏ rễ dâu (tang bạch bì, 50g), củ sả (50g), củ bách bộ (50g), ô mai (50g), cát cánh (50g), hạnh nhân (50g), kinh giới (50g), cam thảo (50g), bạc hà (50g). Tất cả sắc với nhiều lần nước. Lấy nước đặc, thêm đường nấu thành si rô. Mỗi lần uống 1-5 thìa tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Không chỉ vậy, quả hồng bì còn có tác dụng chữa các bệnh về tiêu hóa, đau dạ dày, đau thượng vị. Đối với các loại quả khác, hạt thường bỏ đi, nhưng hạt hồng bì cũng có công dụng kết hợp với một cây thuốc nam giã ra bã đắp chữa rắn độc cắn.

Không chỉ có tác dụng chữa bệnh, quả hồng bì còn có thể chế biến được thành các món ăn, nước giải khát nữa. Mùa này hồng bì đang rộ, bạn nên mua về ngâm làm sirô uống giải khát, hoặc làm mứt .

Thanh Lê (Sưu tầm)