Đã đi “ăn phở” còn đánh đập vợ con

ANTĐ - Người dân đường Hoàng Quốc Việt (phường An Đông, TP Huế, Thừa Thiên Huế) mấy ngày qua vẫn chưa hết bức xúc khi chứng kiến cảnh một ông chồng thèm "ăn phở" lại có thêm "máu giang hồ" chuyên đánh vợ chửi con.
Đã đi “ăn phở” còn đánh đập vợ con ảnh 1
Sau gần 1 tuần bị chồng đánh, bà Vui vẫn đang điều trị tại
Khoa Cấp cứu BVTƯ Huế.
Từ một gia đình vốn hạnh phúc, ấm êm nhưng sau khi ông chồng đi theo người phụ nữ khác thì sóng gió nổi lên trong gia đình này.

Vô cớ đánh vợ

Hơn một tuần nay, bà Trần Thị Vui (53 tuổi, trú phường An Đông, TP Huế) vẫn chưa quên được nỗi đau mà người chồng "đầu gối tay ấp" mấy chục năm nay gây nên. Nằm ở Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế, bà Vui nghẹn ngào kể về người chồng vũ phu của mình.

Vào tối 22/10, bà Vui đến thăm một người bà con bị ốm ngay trong thành phố thì bất ngờ chồng bà- ông Nguyễn Đắc Chức (SN 1949, trú phường An Đông, TP Huế) gọi điện hỏi bà đang ở đâu? Sau khi biết, ông Chức đi xe máy đến. Tới nơi, bất ngờ ông Chức đùng đùng chạy vào không nói gì dùng tay đánh mạnh vào đầu vợ. Quá hoảng sợ, bà Vui chạy vào núp ở bàn thờ của gia chủ. Ông Chức chụp lấy cái ghế, vừa đuổi theo vợ vừa hét lên: "Tao đánh cho mày lên bàn thờ nằm luôn...".

Lúc này, chủ nhà chạy ra ngoài kêu cứu, mọi người xông vào can ngăn. Người chồng vũ phu bỏ đi. Sau đó bà Vui được các con đưa về nhà nằm nghỉ. Sáng sớm hôm sau, bà Vui không dậy nổi đi bán hàng như mọi ngày. Các con vào hỏi thăm sức khỏe mẹ thì mới phát hiện sức khỏe bà nguy kịch. Họ đưa bà đến BV Trung ương Huế cấp cứu, thì mới biết bà Vui bị chấn thương sọ não.

"Ăn phở" còn đánh vợ

Nước mắt nghẹn ngào, bà Vui cho biết, đây không phải là lần đầu ông Chức đánh bà, mà trước đây đã nhiều lần ông Chức vô cớ đánh vợ con. "Những lần trước bị ông ấy đánh, tôi im lặng chịu đựng vì sự êm ấm của gia đình, vì muốn con cái học hành, trưởng thành cho bằng bè bạn. Nhưng không ngờ lần này ông ấy ra tay mạnh quá"- bà Vui xót xa.

Bà cho biết thêm, vợ chồng bà cưới nhau mấy chục năm nay, "cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt", nhưng cách đây khoảng 2 năm, khi ông Chức "theo" một phụ nữ đang làm ở một Công ty Dệt may tại Thừa Thiên Huế thì tính tình thay đổi hẳn, thường xuyên đánh đập vợ, con. Gần đây bà Vui nghe nhiều người nói ra nói vào rằng  ông Chức lại "cặp kè" với một phụ nữ khác nên bà Vui đã có lần theo dõi. Sau đó, bà biết được danh tính người phụ nữ ấy. Người này đã có một đời chồng, có con nhưng đã li dị. Bà Vui đã tìm gặp cô ta để nói chuyện phải trái nhưng cô ta tỏ ý thách thức...

Bố đánh mẹ, các con phẫn nộ

Công việc hàng ngày của bà Vui là bán hàng ăn và buôn bán hàng rong, còn ông Chức thì nhận thầu các công đoạn làm ruộng bằng máy móc cho nông dân nên kinh tế gia đình cũng khá giả. Theo bà Vui, trước đây, ông Chức rất lo làm ăn, thương yêu vợ con. Vợ chồng bà có 3 người con, hiện 2 người con trai lớn đã lập gia đình.

Bà Trần Thị Liễn- chị ruột của bà Vui cho biết: "Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, từ ngày ông Chức "cặp kè" với người khác, thì bà Vui liên tiếp bị đánh đập. Có hôm, ông Chức đánh vợ, rồi kéo vợ giữa đường khiến ai cũng bức xúc. Nhiều lần bị chồng đánh quá hoảng sợ, bà Vui đã đi trốn chỗ này vài bữa, chỗ khác vài bữa. Ông Chức tuyên bố đánh chứ không giết, đánh cho chết dần chết mòn".

Chứng kiến cảnh mẹ bị bố đánh đập dã man, các con của bà Vui đã không chịu nổi  nên có lần đã phản kháng lại. Anh N.Đ.L- con trai đầu của bà Vui nghẹn ngào: "Ông ấy đánh mẹ em dữ lắm. Có nhiều lần, tụi em vào can ngăn thì cũng bị ông đánh, đòi bóp cổ. Mà mấy năm nay, mẹ em buôn bán tảo tần để nuôi ông, chứ ông làm ra nhiều tiền nhưng không hề đưa về nhà đồng nào".

Theo nhiều người dân ở khu phố thì bà Vui là một người hiền lành, sống cam chịu, vì chồng con mà bỏ qua tất cả. Ai cũng thấy thương xót cho bà. Nhưng vì ông chồng ham mê "của lạ", không biết trời xui đất khiến thế nào mà nảy sinh ra thói đánh vợ. Mặc dù có nhiều người khuyên bảo, nhưng ông Chức vẫn chứng nào tật nấy, cứ thỉnh thoảng lại "nổi cơn" bạo hành.
Đã đi “ăn phở” còn đánh đập vợ con ảnh 2
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm một cách thô bạo quyền con người. Tuy nhiên, để đẩy lùi và loại bỏ hành vi này ra khỏi đời sống xã hội, việc cần làm là phải nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình và những tác hại to lớn của nó đối với cộng đồng và xã hội.

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức cưỡng bức khác nhau như: Đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước các mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc… Những hành vi bạo lực dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Bạo lực gia đình dưới bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn cả các thành viên khác trong gia đình. Những tác động tiêu cực này đã chất thêm gánh nặng lên hệ thống y tế quốc gia.