Đã đến lúc phải trung thực

ANTĐ - Cuốn sách “Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc nhiệm kỳ 2009-2014” của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa ra mắt, lập tức bị tẩy chay. Tẩy chay là bởi sách ra đời kèm theo sự thất vọng lớn lao, càng đọc, càng xem, càng buồn…

Đã đến lúc phải trung thực ảnh 1“Hoa nắng” - Trần Đình Thương đoạt giải A năm 2011
Đã đến lúc phải trung thực ảnh 2“Nào cùng bay lên” - Phan Văn Hiền đoạt giải A năm 2013

Đạo ảnh vẫn đoạt giải

5 năm đã đi qua, nhìn lại thành quả lao động của các nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam nhiều người vừa thấy tiếc lại vừa thấy buồn. Tiếc là bởi, ảnh đẹp thế nhưng sao cứ thấy giả tạo, không trung thực. Buồn là bởi, ảnh chỉn chu, được xử lý rất kỹ càng nhưng sao vẫn lại thấy na ná các tác phẩm đã được trưng bày, công bố đâu đó ở Việt Nam và thậm chí ở nước ngoài. Các bức ảnh về đề tài miền núi dễ dãi, khuôn sáo tới mức người đi sau giẫm chân lên người đi trước. Vẫn là những chiếc váy đủ màu sắc, hoa văn đẹp mắt được trưng lên và bên cạnh là cô gái dân tộc nở nụ cười đẹp tựa… mùa thu tỏa nắng.

Vẫn là gương mặt em bé dân tộc hai má ửng hồng nằm ngoan ngoãn trong địu của mẹ. Nhưng nếu miền sơn cước chỉ có vậy thì tính sáng tạo trong nghệ thuật không nên đề cập tới ở đây. Những góc nhìn lạ và cách biểu hiện mới đang “trốn đi” đâu đó trong mỗi nhà nhiếp ảnh Việt Nam. Họ đang sa lầy vào việc tìm kiếm cái đẹp xưa cũ có thể tìm thấy trong các tác phẩm có từ cách đây vài chục năm mà quên rằng, cuộc sống vẫn đang từng ngày vận động và biến đổi. Vì thế, niềm tiếc nuối cho một đề tài quá cũ nhưng vẫn còn đầy tươi mới đã hiện diện trong mỗi người xem sách. 

Việc đạo ảnh, đạo ý tưởng tưởng như là câu chuyện ở đâu đó lại xuất hiện ngay trong cuốn sách của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Bằng chứng là, hai bức ảnh giống nhau gần như tuyệt đối lại cùng được in trong cuốn sách và cùng đoạt giải A trong hai năm. Đó là tác phẩm “Hoa nắng” - Trần Đình Thương (giải A năm 2011) và “Nào cùng bay lên” -  Phan Văn Hiền (giải A năm 2013). Lỗi này đương nhiên sẽ được dành cho Hội đồng nghệ thuật. Giải thích cho vấn đề này, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Hai năm là hai hội đồng chấm giải khác nhau. Trong khi, mỗi thành viên hội đồng một năm chấm hàng chục nghìn tác phẩm nên không thể nhớ hết được tác phẩm đã từng giành giải thưởng. Khi in sách, vì tác phẩm đoạt giải thưởng của năm nên không thể không đưa vào. Chúng tôi biết đây là lỗi của mình và sẽ cẩn thận hơn ở các cuộc chấm ảnh tiếp theo”. Tuy vậy, cách lý giải này của ông Vũ Quốc Khánh chưa thực sự thuyết phục. 

Đã đến lúc phải trung thực ảnh 3Hai tác phẩm đoạt giải trong cuốn sách lại có tạo hình giống với tác phẩm
của nhà nhiếp ảnh Jure Kravanja

Xuất sắc cũng như không!

Khoan hãy nói tới việc ai đạo ảnh của ai nhưng sự trùng lặp về mô típ trong nghệ thuật là điều tối kỵ. Vậy là, cuốn sách tổng kết nhiệm kỳ đã qua của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã rành rành chỉ ra những điểm yếu của các nhà nhiếp ảnh. Ông Vũ Quốc Khánh cũng công nhận. “Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam lâu nay sa đà vào việc dùng kỹ xảo mà thiếu quan tâm đến kỹ năng tác nghiệp thực tế. Một bức ảnh có sức mạnh không nằm ở hình ảnh đẹp mà nằm ở tính chân thật và trung thành với thực tế. Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ đặt trọng tâm, định hướng sáng tác cho các anh em nghệ sỹ nên đi theo hướng tôn trọng sự thật. Các cuộc thi mang tính chuyên đề sẽ được hội tổ chức trong thời gian tới”. 

Căn bệnh cố hữu của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam bấy lâu nay còn được tìm thấy trong cuốn sách ở việc sử dụng kỹ xảo “quá tay” làm sai lệch, biến dạng thực tế. Trong khi, bản chất của nhiếp ảnh là phản ánh trung thực sự thật. Tuy nhiếp ảnh nghệ thuật chấp nhận việc xử lý hậu kỳ để tác phẩm trở nên đẹp hơn, truyền cảm tốt hơn nhưng sự quá đà đã phá vỡ đi bản chất cốt lõi nhất của bộ môn nghệ thuật ánh sáng. Vì thế, tuy là ảnh đỉnh cao của Việt Nam trong 5 năm qua nhưng người xem có cảm giác bị lừa khi chiêm ngưỡng tác phẩm. Thậm chí, có độc giả còn thốt lên “Thế mà là ảnh xuất sắc ư?” cũng bởi lẽ, họ chưa thấy “đã mắt”, chưa hài lòng về tính chân thật, khách quan trong ảnh khi thật giả lẫn lộn. Việc cắt ghép ảnh, sử dụng nhiều công cụ kỹ xảo để tạo ra hiệu ứng mưa, hiệu ứng ánh sáng vừa lộ liễu lại vừa khó thuyết phục. Những bức ảnh đẹp để đấy không thể khiến người xem dừng mắt trước tác phẩm.