Tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia:

Đa dạng hóa thị trường giúp người tiêu dùng hưởng lợi

ANTĐ - Từ ngày 1-1, Việt Nam đã tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia. Hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như cơ quan chức năng đều cho rằng, nguồn hàng từ các thị trường khác rất phong phú, việc tạm dừng này không gây ảnh hưởng, xáo trộn nhiều.

Đa dạng hóa thị trường giúp người tiêu dùng hưởng lợi ảnh 1Việt Nam hiện nhập khẩu trái cây từ rất nhiều thị trường

Tác động nhỏ

Do dịch ruồi giấm Địa Trung Hải bùng phát tại Australia trong thời gian qua,  Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT) đã quyết định tạm dừng nhập khẩu trái cây từ nước này. Theo ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô, việc tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia ít gây tác động đến các doanh nghiệp cũng như thị trường trái cây nhập khẩu trong nước. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty CP phát triển sản phẩm Việt, một trong những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu tại khu vực phía Bắc cho hay, việc tạm dừng nhập khẩu trên chưa tác động lớn tới các doanh nghiệp. Trong các loại trái cây nhập khẩu từ Australia thì nho được nhập với số lượng nhiều nhất, nhưng hiện tại không phải vụ nho của Australia nên hầu hết nho được nhập từ Mỹ, Chile… Từ khoảng tháng 3 trở đi thì nho Australia mới vào chính vụ. “Hơn nữa, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đã nắm được thông tin tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia nên đã có thời gian để chuẩn bị. Hoặc là họ tìm nguồn hàng từ các nước khác hoặc là nhập về từ trước đó để dự trữ”, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Đối với mặt hàng táo, theo đại diện Công ty CP phát triển sản phẩm Việt, lượng nhập không đáng kể, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu táo từ New Zealand, Mỹ, Canada. Cụ thể như, Công ty phát triển sản phẩm Việt nhập đến 99% táo từ New Zealand, vì táo từ quốc gia này có lợi thế về mặt số lượng và giá cạnh tranh hơn. 

Không những việc tạm dừng nhập khẩu trái cây từ Australia không tác động lớn mà ngược lại, sự đa dạng hóa thị trường trái cây nhập khẩu từ nhiều nước còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, với mặt hàng táo nhập khẩu từ Canada và Mỹ trong thời gian vừa qua, giá bán trên thị trường nội địa giảm khoảng 20% so với năm 2013. Nguyên do bởi thị trường EU có sự biến động, sản phẩm nông sản khó tiêu thụ hơn sau lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. 

Đảm bảo cung

Còn đối với mặt hàng cherry, theo Công ty X.H.P - một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hoa quả trên địa bàn Hà Nội, công ty này sẽ chuyển qua nhập khẩu cherry của New Zealand. “Để phục vụ Tết Nguyên đán, công ty sẽ xem xét nhập khẩu một lượng vừa phải cherry từ New Zealand. Tuy  vậy cũng chưa quyết định về số lượng, vì giá quá cao, về Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ”, đại diện Công ty X.H.P cho biết.

Trước lo ngại của người tiêu dùng về việc trái cây nhập khẩu sẽ tăng giá do tác động của việc tạm dừng nhập khẩu từ Australia, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh: “Việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trái cây của Việt Nam. Vào dịp Tết Nguyên đán, người Việt Nam thường dùng các loại trái cây truyền thống nhiều hơn là trái cây nhập khẩu”. Ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay, sản lượng trái cây Việt Nam nhập khẩu từ Australia không lớn, chiếm khoảng 10-15% tổng lượng trái cây nhập khẩu, trong khi đó hoàn toàn có thể thay thế bằng các thị trường khác như New Zealand, Chile, Mỹ, Canada. 

Ruồi giấm Địa Trung Hải dù không có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng lại là đối tượng dịch hại nguy hiểm, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều kiểm soát nghiêm ngặt. Được biết, vừa qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã làm việc với Bộ NN&PTNT cùng Cục BVTV Việt Nam. Tại đây, hai bên đã thống nhất giao cho cơ quan kiểm dịch của hai nước phối hợp chặt chẽ, làm việc tích cực để có các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phía Việt Nam, và phía Australia cũng sớm được xuất khẩu trở lại. Tuy vậy, khi nào nhập khẩu trái cây trở lại vào Việt Nam còn phụ thuộc  nỗ lực của hai bên.