Đa dạng hóa nguồn cung vaccine phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đang có thêm những tín hiệu tích cực khi chúng ta khẩn trương tìm kiếm thêm nguồn cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho nhu cầu tiêm chủng trong nước. Đây là biện pháp quan trọng và hiệu quả hàng đầu để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Một triệu liều vaccine phòng Covid-19 do Chính phủ Nhật Bản trao tặng được vận chuyển từ Nội Bài vào TP.HCM ngày 17-6

Một triệu liều vaccine phòng Covid-19 do Chính phủ Nhật Bản trao tặng được vận chuyển từ Nội Bài vào TP.HCM ngày 17-6

Ưu tiên vaccine cho những điểm “nóng”

Nhu cầu vaccine phòng Covid-19 của một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp đang được đáp ứng với những nỗ lực cao. Ngày 17-6, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ đợt 5 vaccine Covid-19 của Astra Zeneca cho các địa phương, riêng TP.HCM nhiều nhất với 786.000 liều. Đây là nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Khi phát hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng với những yếu tố dịch tễ phức tạp, TP.HCM đã thực hiễn giãn cách xã hội từ 0h ngày 31-5. Sau 2 tuần, dịch Covid-19 vẫn chưa “hạ nhiệt” tại thành phố là trung tâm kinh tế hàng đầu này của cả nước với số ca nhiễm mới đã vượt ngưỡng 1.000 ca mắc. TP.HCM đã quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần, kể từ ngày 15-6 vừa qua. Nhằm chia sẻ và cùng chung tay với TP.HCM dập dịch trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế đã phân bổ cho thành phố một số lượng lớn vaccine phòng Covid-19. Trước đó, ngay sau khi lô vaccine gồm 1 triệu liều do Chính phủ Nhật Bản trao tặng về tới sân bay Nội Bài đêm 16-6 đã được chuyển vào TP.HCM trong sáng 17-6. Lô 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 này có tên có tên VAEVRIA Intramuscular Injection (tên khác của Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, lô vaccine này được vận chuyển vào TP.HCM để tiêm cho người dân và công nhân, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch tại đây.

Ngoài TP.HCM còn có 37 đơn vị khác được phân bổ vaccine phòng Covid-19 trong đợt phân bổ lần thứ 5 này, gồm Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) một số tỉnh, thành phố; các viện, bệnh viện, trường cao đẳng; các tổng công ty; công ty; trung tâm pháp y các vùng miền... và lực lượng công an tại TP.HCM, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng. Theo đó, trong số các bệnh viện được phân bổ có Bệnh viện Bạch Mai nhiều nhất với 33.000 liều; Bệnh viện Nhi Trung ương 25.000 liều; Bệnh viện E Trung ương 18.000 liều; Bệnh viện Hữu nghị 5.000 liều; Bệnh viện Việt Đức 3.000 liều... Viện Pasteur TP.HCM cũng được phân bổ 7.000 liều; Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia là 3.000 liều…

Bộ Y tế yêu cầu, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thực hiện tiếp nhận, bảo quản, gửi mẫu kiểm định chất lượng và vận chuyển ngay vaccine tới Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để phân bổ cho các địa phương, đơn vị theo danh sách đã ban hành. Trường hợp các đơn vị không sử dụng hết hoặc cần bổ sung thêm vaccine phòng Covid-19 thì phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Pasteur TP.HCM để chủ động điều phối cùng với số vaccine được phân bổ cho 2 viện để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo quy định.

Tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vaccine lên cao

Cùng với ngành y tế, các địa phương cũng đang tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn cung để chủ động nhập vaccine phòng Covid-19 về tiêm cho người dân trên địa bàn. Ngày 15-6 vừa qua, xét đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc mua và nhập khẩu vaccine. Phó Thủ tướng lưu ý, công tác tổ chức thực hiện, truyền thông cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vaccine lên cao.

Sau khi TP.HCM được Chính phủ đồng ý cho nhập vaccine phòng Covid-19, lãnh đạo TP Đà Nẵng ngày 16-6 cũng đã gửi văn bản đến Bộ Y tế và Chính phủ để xin cơ chế tương tự. Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, thành phố này cũng đang tìm nguồn cung cấp vaccine để đàm phán. Thành phố lớn thứ ba của cả nước này có nhu cầu cần tiêm vaccine cho khoảng 800.000 người, tương đương với 1,6 triệu liều. Đến nay, qua 3 đợt phân bổ của Bộ Y tế, Đà Nẵng mới nhận được khoảng 33.000 liều. Do vậy, Đà Nẵng đề nghị cơ chế như TP.HCM sau khi Chính phủ đã có cơ chế mở để địa phương, doanh nghiệp chủ động tiếp cận mua, nhập vaccine.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, tỉnh này đã chuẩn bị ngân sách và các nguồn lực cần thiết để mua vaccine phòng Covid-19. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thêm, tỉnh có nhiều nguồn mua vaccine, đơn cử có đơn vị trong tỉnh đã tiếp cận được đối tác ở Singapore để mua 12 triệu liều vaccine Pfizer. Lãnh đạo tỉnh tâm dịch Bắc Ninh đã bàn về vấn đề chủ động tìm kiếm nguồn cung vaccine. Tỉnh Bắc Ninh đang dự tính 2 phương án, nếu tỉnh đứng ra mua thì phải đấu thầu; hoặc các đơn vị sẽ đăng ký số lượng, một doanh nghiệp đứng ra tập hợp nguồn lực để mua. Bắc Ninh cần 2,3 triệu liều vaccine để tiêm cho tất cả người dân đủ 18 tuổi trở lên.

Một trong những băn khoăn của các địa phương hiện nay là bên cạnh vấn đề cơ chế thì địa phương hoặc doanh nghiệp đóng trên địa bàn khó đàm phán với nguồn cung cấp trực tiếp mà phải thông qua kênh thứ ba. Trong khi đó, mong muốn cũng là yêu cầu của các địa phương là nguồn vaccine phòng Covid-19 chính thống, rõ ràng về nguồn gốc; giá cả, cơ chế vận chuyển, bảo quản đáp ứng yêu cầu; cơ chế tiêm đảm bảo an toàn, nhanh chóng...

Đáng chú ý, tại buổi tập huấn trực tuyến phân biệt vaccine phòng Covid-19 chính hãng Pfizer do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cơ quan Điều tra an ninh nội địa (HIS - Mỹ) và hãng dược phẩm Pfizer tổ chức ngày 16-6, ông John Paul Pullicino - đại diện hãng dược Pfizer (đơn vị sản xuất và phân phối vaccine Pfizer) đã cảnh báo về thực trạng thời gian vừa qua, hãng đã ghi nhận nhiều vaccine Pfizer giả trên thế giới.

Đại diện Pfizer cho biết thêm, tại Việt Nam, hãng đã ghi nhận sự việc các cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vaccine của Pfizer. Tuy nhiên, ông John Paul Pullicino nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại, Pfizer trên toàn cầu chỉ trực tiếp cung cấp vaccine thông qua các thỏa thuận song phương với các Chính phủ và cho đến nay không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp. Vì thế, dù chúng ta nỗ lực tìm kiếm để chủ động nguồn cung vaccine phòng Covid-19 nhưng cũng cần thận trọng để chắc chắn nhập được vaccine đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cũng rất cần tránh tình trạng tranh mua, đẩy giá vaccine lên cao.