Đã có phương án về thuế cho taxi Uber

ANTĐ - Tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc hợp pháp hóa loại hình dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan thuế khẳng định, việc quản lý thuế đối với dịch vụ này là hoàn toàn có thể thực hiện được. 

Đã có phương án về thuế cho taxi Uber ảnh 1Theo phía Uber, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam sẽ có trách nhiệm kê khai và 
nộp các loại thuế thay cho Uber

Vì sao Uber Việt Nam chưa đóng thuế?

Một trong những vấn đề đáng bàn về mặt pháp lý với dịch vụ taxi Uber là việc doanh nghiệp này sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế ra sao tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù có văn phòng đại diện tại Việt Nam (Công ty trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam) nhưng đơn vị quản lý lợi nhuận thu được từ các dịch vụ là Công ty Uber International Holding B.V có trụ sở chính tại Hà Lan, do đó tiềm ẩn nguy cơ trốn thuế. 

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT đã có kiến nghị gửi Tổng cục Thuế để xây dựng phương án quản lý thuế đối với dịch vụ taxi Uber. Về phía Uber, ông Micheal Brown - Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á khẳng định: “Chúng tôi đã đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, tại tất cả các nơi mà Uber hoạt động, Uber luôn tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ về thuế và chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự ở Việt Nam. Do hoàn toàn chi trả bằng tài khoản ngân hàng, chúng tôi cho rằng các cơ quan thuế dễ dàng theo dõi doanh thu của công ty và nhờ vậy thu thuế đầy đủ hơn là taxi thông thường sử dụng tiền mặt để thanh toán”.

Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế đã có buổi làm việc cụ thể với đại diện Công ty Uber International Holding B.V mới đây và xác định các khoản thu nhập phát sinh của đơn vị này tại Việt Nam. Hiện công ty này đang có 3 khoản thu nhập gồm phí đăng ký mở tài khoản, phí hủy chuyến và cước phí thanh toán thực tế từ khách hàng qua các thẻ thanh toán quốc tế (Visa Card, MasterCard, AMEX). Với mỗi thanh toán từ khách hàng sử dụng dịch vụ, Uber sẽ chuyển 80% cước cho doanh nghiệp vận tải và hưởng 20% phí dịch vụ. 

Trong đó, theo giải thích của Uber, khoản phí mở tài khoản 5.000 đồng thực chất là phí xác nhận tính hiệu lực của thẻ tín dụng và sẽ được hoàn trả cho khách hàng sau khi thẻ tín dụng được xác nhận hợp lệ. Do đó, đây không phải là thu nhập của Uber International Holding B.V tại Việt Nam. Về khoản phí thanh toán thực tế, trong hợp đồng ký kết, các doanh nghiệp vận tải Việt Nam sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp các loại thuế phát sinh tại Việt Nam thay cho phía Uber.

Đại diện cơ quan thuế cho biết, thực tế, Công ty Uber International Holding B.V tại Hà Lan mới là đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp vận tải Việt Nam, còn Công ty trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam chỉ thực hiện các hoạt động phụ trợ, marketing nhằm mở rộng mạng lưới thị trường, hỗ trợ đào tạo… Và tính tới thời điểm này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Uber Việt Nam chưa phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

Quản lý được doanh thu

Như phân tích ở trên, mọi hoạt động liên quan tới tài chính đối với dịch vụ taxi Uber đều do Công ty Uber International Holding B.V tại Hà Lan thực hiện. Câu hỏi được đưa ra là làm cách nào để cơ quan thuế Việt Nam có thể quản lý và đánh thuế các khoản thu đối với Công ty Uber International Holding B.V?

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế đã xây dựng 2 phương án để xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp với Công ty Uber International Holding B.V. Ở phương án thứ nhất, cơ quan thuế sẽ tính thuế gia trị gia tăng trên doanh thu với Uber theo hình thức kinh doanh vận tải và ở mức là 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu với ngành tương ứng là 2%. Phương án này dựa trên việc Công ty Uber International Holding B.V đã trực tiếp tham gia điều hành hoạt động vận tải hành khách.

Còn ở phương án thứ hai, cơ quan thuế sẽ tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5% tổng doanh thu, đây là mức thuế cho hoạt động dịch vụ. Bởi theo giải thích của Uber, công ty chỉ cung cấp giải pháp công nghệ kết nối hành khách với công ty kinh doanh vận tải và là trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo ông Nguyễn Quang Tiến, việc quản lý doanh thu, quản lý thuế là khả thi bởi những dữ liệu, chứng từ thanh toán được lưu trữ đồng thời ở máy chủ nước ngoài và ở cả phía Việt Nam. Cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu, kiểm chứng khi cần thiết. Tại buổi làm việc mới đây, phía Uber cũng cam kết sẽ thường xuyên cung cấp danh sách khách hàng cho ngành thuế để việc quản lý được thực hiện tốt hơn.