Đã có hơn 545.000 người sử dụng ứng dụng iHanoi, sẽ có thêm nhiều tiện ích mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến 15/8/2024, đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi.
Đã có hơn 545.000 người sử dụng ứng dụng iHanoi. Ứng dụng sẽ có thêm nhiều tiện ích mới

Đã có hơn 545.000 người sử dụng ứng dụng iHanoi. Ứng dụng sẽ có thêm nhiều tiện ích mới

Quy trình xử lý phản ánh hiện trường trên ứng dụng iHaNoi

Văn phòng UBND TP Hà Nội mới có thông tin gửi báo chí về ứng dụng iHanoi.

Theo đó, Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) chính thức vận hành từ ngày 28/6/2024. Tính đến thời điểm hiện tại (15/8/2024), đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi.Tính đến ngày 15/8/2024, đã có 3.268 ý kiến, phản ánh của người dân gửi qua ứng dụng iHanoi.

Các kiến nghị này hiện trường tới thành phố thông qua Ứng dụng iHanoi được tự động chuyển tới các quận, huyện, thị xã dựa trên kết quả phân tích thông tin về địa điểm phản ánh, kiến nghị của AI được tích hợp trên Ứng dụng iHanoi.

Căn cứ vào nội dung phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân gửi tới thông qua Ứng dụng iHanoi, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phân công xử lý cho các phòng, ban, đơn vị và cấp xã trực thuộc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ thông qua Ứng dụng iHanoi.

Cụ thể, nội dung phản ánh, kiến nghị bảo đảm đáp ứng điều kiện theo yêu cầu, cán bộ phân công xử lý thực hiện chuyển phản ánh tới phòng, ban, đơn vị chuyên môn tiếp nhận, thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao thông qua chức năng phân công xử lý phản ánh, kiến nghị trên Ứng dụng iHanoi.

Tùy thuộc vào nội dung phản ánh, kiến nghị, cán bộ phân công xử lý có thể lựa chọn mức độ ưu tiên xử lý (khẩn cấp, phức tạp, bình thường) để phân công cho các phòng, ban, đơn vị chuyên môn thực hiện giải quyết theo quy định;

Với các nội dung phản ánh, kiến nghị không đáp ứng điều kiện theo yêu cầu, thông tin không đầy đủ, cán bộ phân công xử lý thực hiện từ chối tiếp nhận phản ánh, kiến nghị gửi tới tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết để theo dõi thông qua Ứng dụng iHanoi;

Trường hợp nội dung phản ánh, kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và cấp xã, cán bộ phân công xử lý tại các Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và cấp xã thực hiện từ chối tiếp nhận và chuyển về cơ quan cấp trên để thực hiện phân giao xử lý cho các cơ quan, đơn vị khác phù hợp với thẩm quyền và chức năng nhiệm vụ được giao.

Theo Văn phòng UBND TP, quy trình cụ thể để xử lý kiến nghị như sau: cán bộ xử lý thực hiện kiểm tra, rà soát, xác minh nội dung thông tin phản ánh, kiến nghị. Qua quá trình kiểm tra, rà soát, xác minh nội dung thông tin phản ánh, kiến nghị nhận thấy:

Nếu phản ánh, kiến nghị đầy đủ, chính xác, cán bộ xử lý thực hiện chức năng tiếp nhận xử lý và giải quyết theo quy định; kết quả xử lý trình người có thẩm quyền phê duyệt trước khi phản hồi tới tổ chức, cá nhân theo quy định;

Phản ánh, kiến nghị không đúng với chức năng, nhiệm vụ, cán bộ xử lý thực hiện chức năng từ chối xử lý. Phản ánh, kiến nghị được hệ thống tự động chuyển về cán bộ phân công xử lý thực hiện phân công lại.

Với trường hợp phản ánh, kiến nghị không chính xác, cán bộ xử lý thực hiện từ chối xử lý. Phản ánh, kiến nghị được hệ thống tự động chuyển về cán bộ phân công xử lý thực hiện từ chối phản ánh, kiến nghị, Hệ thống sẽ tự động chuyển nội dung từ chối tới tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết để theo dõi.

Tiếp đó đến bước, phê duyệt nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị: Căn cứ vào nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị của cán bộ xử lý trình phê duyệt, người có thẩm quyền thực hiện phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị: Nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị đạt yêu cầu, người có thẩm quyền tại các cơ quan, đơn vị thực hiện phê duyệt kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị;

Nội dung xử lý phản ánh, kiến nghị chưa đạt yêu cầu, người có thẩm quyền tại các cơ quan, đơn vị thực hiện từ chối phê duyệt để cán bộ xử lý kiểm tra, rà soát tham mưu lại.

Bước cuối là công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị: Người có thẩm quyền căn cứ vào kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị thực hiện phê duyệt công khai thông tin về kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị tới tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền biết để theo dõi.

Sẽ có thêm các tính năng tương tác với người dân

Văn phòng UBND TP cho biết, đã nhận 285 ý kiến góp ý của người dân; đa số góp ý xây dựng, hoàn thiện ứng dụng iHanoi và một số phản ánh những vấn đề về: giao thông, môi trường, y tế, du lịch… với mục đích xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.

HIện nay, người dân, đặc biệt là người trẻ đánh giá rất cao ứng dụng iHanoi vì có thể thể tương tác trực tiếp với chính quyền, theo dõi một số thông tin như: camera giao thông, địa điểm úng ngập ở Hà Nội.

Để liên kết các tiện ích này hiệu quả hơn, văn phòng UBND TP cho biết, dự kiến trong thời gian tới, UBND TP sẽ ban hành Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, trong đó sẽ quan tâm, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đẩy mạnh, tăng cường các kênh tương tác với người dân mà đặc biệt là người trẻ thông qua ứng dụng iHanoi.

Tại Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 05/7/2024, Chủ tịch UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng UBND Thành phố tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung các tiện ích hữu ích cho người dân:

Khảo sát ý kiến người dân; tiếp nhận kiến nghị cử tri; Tra cứu điểm đỗ xe và đặt chỗ trước, thanh toán; tra cứu dịch vụ tuyến xe buýt; tra cứu sổ liên lạc điện tử, tuyển sinh đầu cấp; dịch vụ thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại; nâng cấp tính năng tin tức Hà Nội và các tiện ích khác.