Đã có "đại gia" mạnh tay chi 20 tỷ đồng đưa "Em bé cho chim ăn" trở về cố hương

ANTD.VN - Sau gần 1 thế kỷ lưu lạc trời Tây, kiệt tác hội họa “Em bé cho chim ăn” của danh họa Nguyễn Phan Chánh, một trong 4 bức tranh lụa do ông sáng tác từng tham dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, sẽ trở về Việt Nam. Đặc biệt, người sở hữu bức tranh này là một “đại gia” người Việt đã mạnh tay bỏ ra gần triệu đô để sở hữu “viên ngọc” quý giá vào hàng bậc nhất của mỹ thuật Việt Nam.

4 bức tranh của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh tham dự Hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Paris năm 1931 là Em bé cho chim ăn, Chơi ô ăn quan, Rửa rau cầu ao và Lên đồng. Suốt từ đó đến nay, 4 bức tranh được liệt vào hàng kiệt tác hội họa Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài, được sang tên đổi chủ nhiều lần và rất ít hy vọng sẽ trở lại cố hương.

Thế nhưng tại phiên đấu giá "Nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và đương đại", "Người đương thời: Tiếng nói từ Đông và Tây" của nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc), bức tranh "Em bé cho chim ăn" đã được nhà sưu tầm người Việt đấu giá thành công với mức 853.000 USD (tương đương 20 tỷ đồng).  

Với mức giá này, bức tranh được xếp vào Top 5 bức tranh cao giá nhất của Việt Nam trên sàn quốc tế. Như vậy, sau thời gian chu du trên thế giới, kiệt tác hội họa của Nguyễn Phan Chánh sẽ trở về Việt Nam nhờ vào sự mạnh tay của nhà sưu tầm trong nước.

Đã có "đại gia" mạnh tay chi 20 tỷ đồng đưa "Em bé cho chim ăn" trở về cố hương ảnh 1
Bức tranh "Em bé cho chim ăn" của Nguyễn Phan Chánh năm 1931             

Theo tiết lộ của nhà sưu tầm Minh “Hàng Chỉ” (Nguyễn Minh), người vừa tham gia vào hai phiên đấu giá vừa qua tại Hong Kong, “đại gia” sở hữu bức tranh này là người rất có tâm với nghệ thuật Việt Nam nên mới quyết định bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua tranh, thay vì mua bất động sản.

Tuy nhiên, ông Minh “Hàng Chỉ” cũng phân tích, với một kiệt tác nghệ thuật, để bỏ ra cả triệu đô chưa chắc đã là cao. Chỉ ít thời gian nữa, giá trị của bức tranh có khi còn tới vài triệu đô mà không có để mua.

Nhà văn Nguyệt Tú, con gái họa sỹ Nguyễn Phan Chánh đã rất bất ngờ trước thông tin bức tranh “Em bé cho chim ăn” trở về cố hương. Theo bà Nguyệt Tú, giá trị của bức tranh quá cao nên không phải nhà sưu tầm nào cũng đủ khả năng tài chính để sở hữu.

Bản thân gia đình danh họa đã vài lần sang Pháp để tìm gặp người chủ bức tranh nhưng đều thất bại. Do vậy, đón nhận thông tin này, bà Nguyệt Tú rất vui mừng. Cuối cùng sau gần 1 thế kỷ, kiệt tác nghệ thuật Việt Nam đã nằm trong tay nhà sưu tầm Viêt. Điều quan trọng hơn, rất có thể trong thời gian tới, công chúng sẽ được tận mắt nhìn và chiêm ngưỡng “đứa con cưng” của danh họa tại các bảo tàng mỹ thuật tên tuổi trong cả nước.

Sinh thời, Nguyễn Phan Chánh là người mê tiếng chim họa mi. Ông làm nhiều thơ về họa mi và có một cuốn sổ riêng ghi những tiếng hót của loài chim này. Khi vẽ bức tranh lụa “Em bé cho chim ăn” năm 1931, Nguyễn Phan Chánh cũng rất dụng công trong bố cục.

Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh bên bức tranh "Chơi ô ăn quan"
Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh bên bức tranh "Chơi ô ăn quan"             

Ông từng cho biết: "Phần vẽ con chim thì ít thôi còn phần già để vẽ chuồng. Mặc dù có khuất một bên nhưng trông qua là người ta biết con chim họa mi ở trong chuồng. Cô bé cho chim ăn, áo trắng quần thâm, tuy là ở về đằng trước nhưng rõ ràng khi xem bức tranh này, trước hết người ta sẽ để ý đến con chim nhảy trong chuồng, sau mới đến cô bé".

Chưa hết, sau khi hoàn thành bức tranh, ông vẫn cảm thấy chưa yên tâm và ký kèm vào tranh dòng thơ bằng chữ Hán để thổ lộ tâm tư. Tất nhiên, để làm được điều đó, tâm hồn danh họa phải dồi dào nguồn cảm hứng thi ca. Nguyễn Phan Chánh từng có thơ được đưa vào tuyển tập "Thơ Hà Tĩnh thế kỷ XX". Sinh thời, ông từng kết bạn với nhiều nhà thơ và không ít lần được họ quý mến viết thơ tặng.

Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều (bởi nếu chỉ cần ai đó quan tâm đến vấn đề này sẽ dễ dàng nhận ra những dòng thơ chữ Hán không phải là nét chữ của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh).

Lại bàn về chuyện tranh giả, tranh thật, ông Minh “Hàng Chỉ” cho rằng, bức tranh "Em bé cho chim ăn" do nhà sưu tầm người Việt vừa mua thật 100%, bởi nhà đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc) đã cung cấp cho các nhà tham gia phiên đấu giá bức thư của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu gửi cho vị bác sỹ Pháp, người chủ sở hữu đầu tiên của bức tranh. Bên cạnh đó, ở khung của bức tranh còn có dấu đóng chìm của nhà làm khung Gardin nổi tiếng của Pháp, tên nhà bồi tranh của Việt Nam…

Với xuất xứ đáng tin cậy như vậy, theo ông Minh “Hàng Chỉ”, bức tranh “Em bé cho chim ăn” của danh họa Nguyễn Phan Chánh không thể là giả.