Cựu Tổng thống Philippines Arroyo khó thoát vòng lao lý

ANTĐ - Trong 9 năm đỉnh cao quyền lực, cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo nhiều lần thoát khỏi các bê bối về tham nhũng và lật đổ. Nhưng “người đàn bà thép” một thời đang bị cầm giữ trong bệnh viện nơi bà điều trị bệnh xương hiếm gặp. Liệu lần này, vị nữ tổng thống thứ hai của Philippines có thoát khỏi vòng lao lý?  

Bà Arroyo tại sân bay quốc tế ở Manila hôm 15-11

Việc đưa bà Arroyo ra xét xử sẽ là thử nghiệm lớn nhất đối với Tổng thống Benigno Aquino III khi ông cam kết loại trừ tham nhũng nhằm khôi phục niềm tin của dân chúng cũng như của nhà đầu tư. Với việc bắt giữ bà

Arroyo, ông Aquino đã chạm vào cảm xúc của người dân Philippines, những người đã rất thất vọng với các lãnh đạo tham nhũng, khởi đầu từ Ferdinand Marcos, người cũng bị mẹ ông Aquino lật đổ năm 1986. Đáng chú ý kể từ khi bị bắt giữ, tuyệt nhiên không có cuộc biểu tình nào ủng hộ, cổ vũ cho bà Arroyo.

Kể từ khi rời ghế Tổng thống năm 2010, bà Arroyo đã phải đối mặt với vô số cáo buộc bao gồm sử dụng ngân khố quốc gia cho chiến dịch tranh cử và làm lợi bất chính từ các hợp đồng với các công ty nước ngoài. Với vụ bắt giữ lần này, bà Arroyo là cựu Tổng thống thứ hai của Philippines sẽ phải ra tòa, sau khi người tiền nhiệm của bà Joseph Estrada bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, nhưng sau đó được bà Arroyo ân xá. Nếu bị kết tội, bà Arroyo có thể bị án tù chung thân.

Trong khi đó, ông Jose Miguel Arroyo, chồng cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo ngày 21-11 kêu gọi Tòa án Tối cao ngừng việc điều tra đối với bà này vì Ủy ban điều tra chung được thành lập là vi hiến.

Luật sư Ferdinand Topacio cho biết, nhóm luật sư của bà Arroyo đã quyết định đệ đơn bổ sung “kiến nghị khẩn cấp” liên quan đến việc ủy ban điều tra đã ngăn không cho thân chủ của họ rời Philippines bất chấp sự cho phép của Tòa án Tối cao (SC). Trước đó, SC đã phát lệnh ngăn trở tạm thời nhưng vẫn cho bà Arroyo ra nước ngoài chữa bệnh.

Ủy ban điều tra chung (gồm các thành viên Bộ Tư pháp - DOJ và Ủy ban Bầu cử - Comelec) được thành lập nhằm làm rõ những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử năm 2004 và năm 2007 chống lại bà Arroyo, cựu Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Benjamin Abalos, cựu nhân viên giám sát bầu cử Lintang Bedol và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Maguindanao Andal Ampatuan Sr.. Ông Andal - một trong những đồng minh của bà Arroyo - hiện đang bị xét xử vì tội giết người trong vụ thảm sát có động cơ chính trị 57 người, trong đó có 32 nhà báo và chính trị gia đối lập.

Theo ông Topacio, việc ủy ban điều tra phát lệnh bắt giữ bà Arroyo là hành động có phần vội vàng và không đủ chứng cứ. Còn theo chồng bà Arroyo, ủy ban trên nên được tuyên bố vô hiệu.  Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử đã bác bỏ những cáo buộc trên. Ủy viên Comelec, Rene Sarmiento cho biết, họ hành động dựa trên cơ sở pháp lý. Dù vậy, ông Rene cũng thừa nhận khả năng Tòa án Tối cao có thể tuyên bố việc thành lập ủy ban trên là vi hiến và bà Arroyo có thể được thả. Theo ông Rene, nếu điều này xảy ra, cơ quan bầu cử có thể tự mở cuộc điều tra chống lại bà Arroyo.