Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva và tham vọng trở lại chính trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tòa án Tối cao Brazil mới đây đã ra phán quyết khẳng định, có sự “thiên vị” trong phiên tòa trước đó xử cựu Tổng thống Lula da Silva về tội tham nhũng. Phán quyết cuối cùng này đã mở rộng cửa cho ông Lula có thể tiếp tục tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2022.
Ông Luiz Inácio Lula da Silva tại cuộc họp báo đánh dấu sự trở lại chính trường hôm 10-3-2021

Ông Luiz Inácio Lula da Silva tại cuộc họp báo đánh dấu sự trở lại chính trường hôm 10-3-2021

Nhiều người nói rằng ông Lula đang ở một vị trí vững chắc để thách thức Tổng thống Bolsonaro vào năm 2022. Nhưng liệu chính trị gia này có thể giành chiến thắng trước cử tri Brazil một lần nữa?

Lật lại bản án gây chia rẽ

Trong phán quyết hôm 23-3, Tòa án Tối cao Brazil đã kết luận, ông Sergio Moro - thẩm phán trong phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng đình đám nhất liên quan đến các quan chức hàng đầu khu vực Mỹ Latinh - đã không hành động vô tư. Điều này đồng nghĩa với việc cựu Tổng thống Lula da Silva (năm nay 75 tuổi) được bãi bỏ tội danh tham nhũng và rửa tiền vào năm 2017, đồng thời được khôi phục quyền lợi về mặt chính trị.

“Phản ứng của Tổng thống Bolsonaro khiến đại dịch Covid-19 trở thành thảm họa, Tòa án Tối cao Brazil có thể đã quyết định rằng thà để ông Lula làm ứng cử viên Tổng thống năm 2022 còn hơn là không”.

Ông Alberto Carlos Almeida - nhà khoa học chính trị thuộc Viện nghiên cứu Brasilis Institute ở São Paulo

Năm đó, ông Lula bị cáo buộc đã nhận hối lộ 1 căn hộ bên bờ biển, khiến ông phải ngồi tù và bị cấm tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018. Không chỉ cựu Tổng thống Lula da Silva, nhiều nhà lãnh đạo và giám đốc điều hành ưu tú nhất của Mỹ Latinh đã bị kết tội trong vụ án “Rửa xe” liên quan đến các hợp đồng bất hợp pháp của Tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras. Tuy nhiên, bản án tham nhũng đối với ông Lula da Silva 4 năm về trước đã chia rẽ lớn tại quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latinh.

Sau khi mãn hạn tù vào năm 2019, ông Lula da Silva đã nổi lên với tư cách là nhà lãnh đạo đối lập chính và là người thách thức mạnh mẽ nhất đối với Tổng thống Jair Bolsonaro - người đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng về xử lý đại dịch Covid-19. Số người tử vong do Covid-19 ở Brazil hôm 23-3 đạt mức cao kỷ lục là 3.251 người, trong khi các bệnh viện khắp đất nước đang thiếu giường, thiếu oxy và các nguồn cung cấp khác.

Ứng viên cuộc bầu cử năm 2022

Với diễn biến mới nhất này, gần như chắc chắn ông Lula da Silva sẽ đủ điều kiện để tranh cử trong các cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2022. Một số nhà chính trị nói rằng, ông Bolsonaro sẽ không bao giờ đắc cử Tổng thống nếu nhà lãnh đạo cánh tả Lula da Silva được phép tranh cử vào năm 2018. Hôm 10-3, cựu Tổng thống Lula da Silva đã lần đầu tiên xuất hiện trở lại trước công chúng. Ông tuyên bố mình là “nạn nhân của vụ lừa dối tư pháp lớn nhất đất nước trong 500 năm qua”, đồng thời cáo buộc Tổng thống đương nhiệm đã châm ngòi cho những đợt bùng phát Covid 19 tồi tệ nhất thế giới. Ông Lula cũng từ chối cho biết liệu ông có tranh cử Tổng thống vào năm tới hay không. “Đó là câu chuyện của tương lai” - ông nói với các phóng viên.

Ông Lula da Silva là nhà lãnh đạo được nhiều người yêu mến trong suốt 8 năm cầm quyền. Chính trị gia này cũng đã dẫn đầu các cuộc khảo sát trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 trước khi cáo buộc tham nhũng khiến ông không thể tranh cử. “Tuy nhiên, với phản ứng của Tổng thống Bolsonaro khiến đại dịch Covid-19 trở thành thảm họa, Tòa án Tối cao Brazil có thể đã quyết định, thà để ông Lula làm ứng cử viên còn hơn là không” - ông Alberto Carlos Almeida, nhà khoa học chính trị thuộc Viện nghiên cứu Brasilis Institute ở São Paulo nhận định.

Còn ông Bolsonaro, vốn là cựu quân nhân với hơn 30 năm tham gia Quốc hội thắng cử năm 2018 nhờ lý lịch trong sạch trong bối cảnh hàng trăm người bị bắt và hơn 770 triệu USD tiền tham nhũng đã được thu hồi liên quan đến vụ tham nhũng “Rửa xe”. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đến thời điểm hiện tại người dân Brazil đã trở nên lo ngại hơn nhiều về đại dịch. Một trong những nghi ngờ lớn nhất về sai phạm trong cuộc điều tra vụ án “Rửa xe” là thẩm phán Sergio Moro - người đã trở thành Bộ trưởng Tư pháp của Bolsonaro vào năm 2019. Thông tin rò rỉ cho thấy có sự phối hợp rõ ràng giữa thẩm phán Moro và công tố viên vụ án, gây nghi ngờ về phương pháp và động cơ của ông Moro, dẫn đến việc sau này ông từ chức.