Cựu tổng thống Ai Cập bị đề nghị án tử hình

ANTĐ - Các công tố viên tại phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã yêu cầu án tử hình dành cho nhà lãnh đạo bị lật đổ này.
Cựu tổng thống Ai Cập bị đề nghị án tử hình ảnh 1
Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được đưa trên xe lăn tới tòa án ở
Cairo ngày 2/1/2012. (Ảnh: AP)



Hosni Mubarak hiện đang phải ra trước tòa án ở Cairo về các tội ra lệnh giết người biểu tình trong thời gian diễn ra làn sóng phản đối dẫn tới việc hạ bệ ông này khỏi vị trí Tổng thống năm 2011.

Bên công tố cũng đề nghị mức án tương tự dành cho cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adly và 6 cựu chỉ huy an ninh khác. Hơn 800 người biểu tình đã bị giết hại trong làn sóng biểu tình kéo dài 18 ngày trước khi ông Mubarak bị lật đổ ngày 11/2.

"Một quan tòa công bằng phải tuyên án tử hình dành cho các bị cáo này", công tố viên Mustafa Khater nhấn mạnh. "Ông ta [Mubarak] có thể không bao giờ, với tư cách là người đứng đầu đất nước, nói mình không biết những gì đang diễn ra", công tố viên trưởng Mustafa Suleiman nói trước tòa. "Ông ấy có trách nhiệm và phải gánh trách nhiệm cả về luật pháp lẫn chính trị cho những gì đã xảy ra".

Do tính nghiêm trọng của những cáo buộc, đề nghị án tử hình không phải là điều gây ngạc nhiên đối với dư luận. Tuy nhiên, nhiều người Ai Cập sẽ sốc khi thấy đề nghị được đưa ra thẳng thừng lần đầu tiên trong phiên tòa.

Mặc dù vậy, liệu ông Mubarak có bị xử tử hoặc bị kết tội hay không lại là một câu hỏi khác. Các công tố viên đã than phiền về việc thiếu sự hợp tác từ Bộ Nội vụ trong việc cung cấp bằng chứng và vụ án trở nên yếu đi do một nhân chứng chủ chốt thay đổi lời khai.

Bên công tố cho biết, họ đã lấy lời chứng thực từ 2.000 nhân chứng, trong đó có các sĩ quan cảnh sát, những người đã bàn bạc về lệnh của cấp trên về việc trang bị súng trường tự động và súng ngắn cho cảnh sát để chống lại người biểu tình.

Một số nhân vật quyền lực nhất ở Ai Cập đã ra làm chứng kể từ khi phiên tòa bắt đầu hồi tháng 8. Người đứng đầu Hội đồng quân sự cầm quyền, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Field Marshal Mohammed Hussein Tantawi, khẳng định trong một cuộc họp kín hồi tháng 9 rằng ông Mubarak chưa bao giờ ra lệnh bắn người biểu tình.

Phiên xử Hosni Mubarak hiện bị hoãn đến ngày 9/1. Hai con trai của ông Mubarak, Gamal và Alaa, đối mặt với các cáo buộc tham nhũng trong cùng phiên tòa.