Cứu tinh của những phụ nữ Ba Lan mang thai ngoài ý muốn

ANTD.VN - Sarah Diehl - nhà làm phim người Đức kể lại rằng, năm 2014, cô nhận được tin nhắn qua mạng xã hội Facebook từ một phụ nữ Ba Lan lạ mặt. Người phụ nữ cho biết đã xem phim tài liệu về quyền phá thai do Diehl đạo diễn vào năm 2008 và hỏi liệu Diehl có thể giúp cô phá thai ở Đức?  

Sarah Diehl - người sáng lập “Ciocia Basia”, tổ chức chuyên giúp đỡ phụ nữ Ba Lan mang thai ngoài ý muốn

Tư vấn, hỗ trợ 500 phụ nữ Ba Lan thông qua mạng xã hội

“Ngay khi người phụ nữ lạ mặt liên lạc, tôi đã hẹn gặp các cố vấn và bác sĩ, tìm cho cô ấy một nơi để ở, đưa cô ấy đến một phòng khám để làm thủ tục, đồng thời làm phiên dịch viên luôn. Vụ việc khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi muốn thành lập một tổ chức phi lợi nhuận ở Berlin để giúp phụ nữ Ba Lan muốn chấm dứt mang thai ngoài ý muốn”, Sarah Diehl nói. Trước đó, Diehl đã dành nhiều năm để đọc, nghiên cứu về quyền sinh sản, đặc biệt là ở nước láng giềng Ba Lan - nơi phá thai bị coi là bất hợp pháp. 

Cùng năm đó, năm 2014, Sarah Diehl thành lập “Ciocia Basia” hay “Aunt Barbara” - tổ chức chuyên giúp đỡ phụ nữ Ba Lan mang thai ngoài ý muốn. Được biết, “Ciocia Basia” là tổ chức duy nhất ở Đức giúp đỡ phụ nữ Ba Lan trong vấn đề này. Cho đến nay, “Ciocia Basia” đã giúp đỡ được khoảng 500 phụ nữ Ba Lan. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ nữ Ba Lan của “Ciocia Basia” chủ yếu thông qua mạng xã hội. 

Theo quy định của luật pháp Ba Lan, người phụ nữ chỉ được quyền phá thai khi thai nhi là kết quả của loạn luân hoặc hiếp dâm, đe dọa đến tính mạng của người mẹ hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường ở thai nhi. Khoảng 1.000 vụ phá thai hợp pháp diễn ra hàng năm ở Ba Lan. Mặc dù không có thống kê chính xác về số phụ nữ tìm cách phá thai “chui” nhưng ước tính có khoảng 100.000 đến 150.000 trường hợp mỗi năm.

Ngay khi một phụ nữ Ba Lan thiết lập mối liên hệ đầu tiên với “Ciocia Basia”, các tình nguyện viên sẽ đưa ra các câu hỏi để từ đó định hướng tư vấn. Những câu hỏi phổ biến như: “Mang thai bao nhiêu tháng?”; “Có chắc chắn về lựa chọn của mình không?”; “Có thể thời gian từ 1 đến 3 ngày để thực hiện phá thai bằng thuốc hay phẫu thuật không?”; “Có tiền không?”. Nếu phụ nữ không có tiền, cô ấy cũng không cần phải lo lắng, “Ciocia Basia” sẽ giúp đỡ.

“Chúng tôi cố gắng trả lời mọi tin nhắn trong vòng nửa giờ, cung cấp thông tin cơ bản nhất cho người cần trợ giúp” - Alexanderra Lempp, tình nguyện viên của “Ciocia Basia” nói - “Ciocia Basia” được điều hành bởi các tình nguyện viên, chủ yếu là phụ nữ Đức và Ba Lan ở mọi lứa tuổi. “Đây là văn phòng của tôi”, Alexanderra Lempp vừa nói vừa chỉ vào điện thoại. “Và đây là nơi mọi thứ xảy ra”,  Alexanderra Lempp chỉ vào trang Facebook của “Ciocia Basia” - “Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng, chỉ những thanh thiếu niên không sử dụng biện pháp tránh thai mới cần tìm đến dịch vụ phá thai. Giờ đây, tôi nhận ra rằng, mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đều làm điều đó”… 

Cứu tinh của những phụ nữ Ba Lan mang thai ngoài ý muốn ảnh 2Một người phụ nữ tham gia tuần hành phản đối kế hoạch thắt chặt quyền phá thai tại Poznan, Ba Lan, ngày 23-3-2018

Cần thay đổi nhận thức về mục đích của việc phá thai

Các tình nguyện viên của “Ciocia Basia” nói rằng, một người phụ nữ trước và sau phá thai giống như hai người khác nhau. “Tôi chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào bước ra khỏi phòng khám nhìn mọi thứ nhẹ nhõm như vậy. Sự căng thẳng biến mất và cô ấy mỉm cười tự do”, tình nguyện viên Alexanderra Lempp nói.

Zuzanna Dziuban, người gốc Ba Lan, một nhà nghiên cứu về nghiên cứu văn hóa cho biết, ở một đất nước có hơn 85% là người Công giáo, việc phá thai ở Ba Lan được coi là vấn đề mang tính đạo đức. “Cần thay đổi nhận thức về mục đích của việc phá thai. Điều quan trọng là phải “bình thường hóa việc phá thai”, Zuzanna Dziuban nói.