Cựu thủ lĩnh nhóm khủng bố nguy hiểm nhất châu Phi tranh cử Tổng thống chính quyền Tây Nam Somalia

ANTD.VN - Mukhtar Robow - cựu phát ngôn viên của al-Shabab đang tranh cử ở Somalia. “Hàng nghìn người đã chết vì đội quân tàn bạo al-Shabab. Các nạn nhân cảm thấy thế nào khi ông ta là một ứng cử viên?”, một thành viên của Quốc hội Somalia đặt câu hỏi.

Trong nhiều năm, Mukhtar Robow là người phát ngôn và phó thủ lĩnh của al-Shabab - nhóm khủng bố nguy hiểm nhất châu Phi, có liên hệ với al-Qaeda. Khi nhân vật này trong vai trò một chính trị gia tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử ngày 5-12-2018, rất nhiều người ở quốc gia Đông Phi này tỏ ra phẫn nộ. Người ta cũng đặt ra câu hỏi rằng sau nhiều thập kỷ xung đột, liệu Somalia có thể thu nhận một số nhân vật đằng sau phần lớn bạo lực đó hay không. 

Cựu thủ lĩnh nhóm khủng bố nguy hiểm nhất châu Phi tranh cử Tổng thống chính quyền Tây Nam Somalia ảnh 1Mukhtar Robow (bên phải) trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 10-2018

Cựu thủ lĩnh của nhóm khủng bố nguy hiểm nhất châu Phi

Nhóm al-Shabab được thành lập năm 2006 với mục tiêu đấu tranh để thành lập một Nhà nước Hồi giáo. Thời kỳ hoạt động mạnh nhất, bọn chúng thực hiện các vụ tấn công tự sát hàng ngày khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Bạo lực đã biến các thành phố của Somalia chìm trong đổ nát, hàng triệu người phải di cư và làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của hạn hán và nạn đói khiến khoảng ¼ triệu người chết vào năm 2011. 

Nhóm này cũng đã tấn công khắp khu vực như vụ đánh bom World Cup 2010 ở Kampala, Uganda, khiến 74 người thiệt mạng hay vụ tấn công năm 2013 tại trung tâm mua sắm Westgate ở Nairobi, Kenya, khiến ít nhất 67 người chết. Trong những năm gần đây, sau các chiến dịch không kích của Mỹ, al-Shabab đã bị đẩy ra khỏi Mogadishu, mặc dù nó vẫn tiếp tục kiểm soát các khu vực nông thôn ở miền Nam và miền Trung Đông Phi.

Theo tài liệu của Mỹ, Mukhtar Robow sinh năm 1959, là một trong những người sáng lập al-Shabab năm 2006. Người này đã được truyền cảm hứng bởi al Qaeda và được huấn luyện chiến đấu ở Afghanistan, nơi ông ta đã gặp Osama bin Laden trước vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001. Là người thực thi chiến lược bạo động chống chính phủ Somalia và lực lượng quốc tế, năm 2008, Robow đã bị Mỹ đưa vào danh sách những kẻ khủng bố.

Lo sợ cho cuộc sống của mình sau khi thủ lĩnh cấp cao Ahmed Abdi Godane chết trong một cuộc không kích của quân đội Mỹ năm 2014, Robow tuyên bố rời khỏi al-Shabab vào tháng 8-2017. Trong một bài phát biểu công khai vào thời điểm đó, Robow đã thúc giục các chiến binh khác cũng đào ngũ. “Tôi đã rời khỏi al-Shabab vì hiểu sai và không đồng ý với tư tưởng của họ vốn không phục vụ Hồi giáo, người dân và đất nước”, Robow nói với Reuters. Một báo cáo mới của Nhóm giám sát Liên hợp quốc về Somalia cho biết khoảng 20 thành viên cấp cao khác của al-Shabab đã đào ngũ sau Robow.

Vấn đề nan giải sau nhiều thập kỷ nội chiến

Có thể nói, việc Robow chuyển đổi từ một thủ lĩnh phiến quân thành ứng cử viên chính trị là kết quả chương trình khuyến khích các chiến binh al-Shabab đào tẩu của Chính phủ Somalia. Hussein Sheikh-Ali, cựu cố vấn chính phủ, người làm trung gian đàm phán với Robow nói rằng phải mất 3 năm ông mới thuyết phục được Robow đào ngũ. Kết quả này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Mỹ gỡ phần treo thưởng trị giá 5 triệu USD cho việc bắt giữ ông ta và đưa ông ta ra khỏi danh sách các nhà tài trợ khủng bố. Riêng các biện pháp trừng phạt, nghĩa là cấm công dân Mỹ giao dịch với ông ta, vẫn còn.

Hiện Mukhtar Robow đang ra tranh cử Tổng thống chính quyền Tây Nam Somalia với 6 khu vực liên hợp lại. Nhưng quá trình tranh cử được công bố từ tháng 10-2018 này còn rất xa. Quốc hội của chính quyền Tây Nam sẽ bỏ phiếu về việc liệu ứng cử viên này có đủ điều kiện hay không. Trong khi địa phương tán thành tư cách ứng cử viên của ông Robow, chính quyền Trung ương đã tuyên bố ông Robow không thể tham gia tranh cử vì ông vẫn chịu lệnh trừng phạt quốc tế. Không rõ bên nào có tiếng nói cuối cùng vì Somalia không có thể chế chính thức và cho đến nay, ông Robow cũng chưa phải tuân theo bất kỳ quy trình tố tụng nào cho các việc làm trong quá khứ của mình.

Rashid Abdi, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế vùng Sừng châu Phi thừa nhận rằng sự việc của ứng cử viên Robow đã đặt ra một vấn đề nan giải về đạo đức. Ở một đất nước kiệt quệ vì nội chiến và xung đột kể từ khi Chính phủ cuối cùng sụp đổ năm 1991 như Somalia, việc các cựu thủ lĩnh nổi dậy giành được quyền lực chính trị không phải là điều gì quá khó, mặc dù nó không phải là lý tưởng, đem lại sự hài lòng cho tất cả mọi người.

Trong khi khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của Robow là “An ninh và Công lý”, vai trò mới của ông ta dường như gợi ra sự lựa chọn: Hoặc là thu nhận những kẻ đảo ngũ al-Shabab vì mục đích bảo đảm an ninh quốc gia hoặc buộc họ phải chịu trách nhiệm nhân danh công lý.