Cứu sống thần kỳ cháu bé câm điếc bẩm sinh, mắc bệnh tim vô cùng hiếm gặp

ANTD.VN - Từ lúc chào đời đã thiếu máu, câm điếc bẩm sinh, mới đây bé Nguyễn Thế Vinh (6 tuổi) còn được chẩn đoán mắc một thể bệnh tim cực kỳ hiếm gặp. Tổng chi phí điều trị lên tới hơn 600 triệu đồng, trong khi gia đình vay mượn khắp nơi cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng…

TS.BS Phạm Như Hùng thăm khám cho bé Nguyễn Thế Vinh

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ sáng nay, 4-9, TS.BS Phạm Như Hùng, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Tim mạch can thiệp – Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi mắc thể bệnh tim vô cùng hiếm gặp.

Cháu bé là Nguyễn Thế Vinh, 6 tuổi, ở xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ), bị câm điếc bẩm sinh, được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội khám ngày 6-8-2019, sau khi đã điều trị 2 tháng tại một bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô với chẩn đoán và áp dụng phác đồ điều trị cho bệnh nhân động kinh nhưng không tiến triển.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phát hiện, bé Vinh mắc hội chứng QT kéo dài, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể tử vong. Trước đó bé Vinh xuất hiện nhiều cơn ngất, khi nhập viện tiếp tục xuất hiện cơn rung thất, tình trạng nguy kịch, bác sĩ phải sốc điện rồi chuyển thẳng lên trung tâm cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ nhận định, để cứu sống bệnh nhân thì buộc phải áp dụng biện pháp cấy máy chống rung tự động (ICD) – một thiết bị hiện đại giúp tự phát hiện các cơn sốc điện tim và tự sốc điện cho trở về trạng thái bình thường.

Vấn đề đặt ra lúc này là tại Bệnh viện Tim Hà Nội cũng như ở Việt Nam trước nay chưa có ca bệnh nào được cấy máy chống rung tự động khi mới chỉ hơn 6 tuổi, tức nếu thực hiện kỹ thuật, bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh chính là trường hợp nhỏ tuổi nhất được cấy máy chống rung tự động. Trên thế giới, những trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi được thực hiện kỹ thuật như vậy cũng rất hy hữu.

Theo TS Phạm Như Hùng, so với cấy máy chống rung tự động ở thanh niên, người lớn, thì kỹ thuật cấy ở trẻ em khác biệt rất nhiều, vì cơ thể đứa trẻ sẽ tiếp tục lớn lên nên khi đặt dây điện cực vào phải tính toán rất kỹ để không ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ. Đặc biệt là kinh nghiệm của các bác sĩ khi thực hiện với các trường hợp nhỏ tuổi rất ít, chưa kể những biến chứng tiềm ẩn khi đặt máy.

Một vấn đề nữa phải kể đến là chi phí cấy máy chống rung tự động rất lớn. Với ca bệnh của bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh, tổng chi phí điều trị lên tới hơn 600 triệu đồng, trong khi hoàn cảnh kinh tế của gia đình bệnh nhân khó khăn, không thể nào xoay sở được.

Dù vậy, với quyết tâm phải thực hiện kỹ thuật hiện đại nhất để cứu sống bệnh nhi, bệnh viện đã quyết định trích quỹ phúc lợi, đồng thời kêu gọi các y bác sĩ đóng góp và kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm bên ngoài, qua đó đã có kinh phí để điều trị cho bé.

Chị Vân - mẹ bé Vinh ở bệnh viện chăm sóc con suốt gần 3 tháng nay

Đến nay, sau gần một tháng nằm điều trị tại Trung tâm Cấp cứu và Tim mạch can thiệp – Bệnh viện Tim Hà Nội, tình trạng sức khỏe của bé Vinh đã trở lại bình thường, vẫn đang được tiếp tục theo dõi và có thể xuất viện trong ít ngày tới.

Nằm bên giường bệnh chăm sóc con, chị Hán Thị Vân, mẹ bệnh nhi Nguyễn Thế Vinh xúc động chia sẻ với chúng tôi, chính nhờ lòng hảo tâm và tài năng của các bác sĩ mà con trai chị đã vượt qua cơn nguy kịch, được cứu sống thần kỳ và khỏe mạnh trở lại như lúc này.

Chị kể, Vinh là con thứ hai trong gia đình, ngay từ khi sinh ra đã thiếu máu, thiếu can xi nên phải nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ít lâu sau, bé lại bị phát hiện câm điếc bẩm sinh nên gia đình phải đưa xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, rồi chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị.

“Các bác sĩ nói nếu bé được cấy điện cực ốc tai thì có hy vọng nghe được. Nhưng chi phí cấy điện cực ốc tai hai bên tới hơn 500 triệu đồng, gia đình tôi đều làm nông, không thể xoay sở được, nên đành đưa cháu về. Khi cháu lên 6 tuổi, vợ chồng tôi cũng đang cố gắng tiết kiệm để năm sau có thể đưa cháu xuống Việt Trì vào học ở trường dành cho trẻ câm điếc” – chị Vân kể.

Thế nhưng nguyện vọng đó chưa thực hiện được thì cách đây khoảng 3 tháng, bé Vinh xuất hiện các cơn ngất, tháng trước khi xuống Hà Nội nhập viện bé ngất xỉu tới 4 lần. Rất may là sau gần 3 tháng liền nằm viện, bé đã được chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị thành công.