Cựu sĩ quan an ninh Nga rơi nước mắt khi trở lại hiện trường vụ khủng bố kinh hoàng ở Beslan

ANTD.VN - 15 năm trôi qua, vụ tấn công khủng bố trong ngày khai giảng tại trường học ở Beslan, Bắc Ossetia thuộc Nga khiến 334 người, chủ yếu là trẻ em, thiệt mạng vẫn ám ảnh những người còn sống. Gần đây, các nhân chứng vụ khủng bố Beslan đã trở lại phòng tập thể dục của trường, nơi cả trăm con tin bị giam giữ, để đối mặt với những cơn ác mộng của chính họ.

“Tôi đã 5 lần phẫu thuật phần đầu”, Fatima nói với một giọng bị méo do di chứng tổn thương não mà cô phải chịu khi một trong những kẻ khủng bố cho nổ tung hội trường. Khi đó, Fatima mới 10 tuổi. Sau vụ giải cứu con tin, Fatima bị thương nặng phần đầu, phải dùng rất nhiều băng cuốn đến nỗi người nhà chỉ nhận ra cô bé nhờ nốt ruồi trên cơ thể. Nhưng em gái Fatima 8 tuổi hôm ấy đã không qua khỏi vì bỏng quá nặng.

Cựu sĩ quan an ninh Nga rơi nước mắt khi trở lại hiện trường vụ khủng bố kinh hoàng ở Beslan ảnh 1186 trẻ em thiệt mạng để lại nỗi đau khôn nguôi đối với các gia đình nạn nhân ở Bắc Ossetia

Biến cố ngày khai trường

Fatima còn giữ được một đoạn video cũ có cảnh ngày khai trường tại trường Tiểu học số 1 của Beslan hôm đó, ngày 1-9-2004. Vào lúc 9h sáng, khoảng 1.200 người có mặt. Tham dự lễ khai giảng là phần lớn học sinh trong bộ đồng phục mới, phụ huynh, giáo viên và quan chức địa phương, mọi người háo hức được nghe tiếng rung chuông, đánh dấu năm học mới bắt đầu.

Thời điểm đó, các chiến binh Hồi giáo Chechnya cũng đang trên đường tới thị trấn có 35.000 người theo đạo Cơ đốc giáo ở Bắc Ossetia. Chúng đi trên một chiếc xe cảnh sát và một xe tải chở quân cùng chất nổ.

Khoảng 30 kẻ khủng bố tham gia vụ tấn công, mặc dù không phải tất cả đều đến cùng một lúc. Chỉ sau vài phát bắn chỉ thiên và một cuộc đấu súng ngắn với cảnh sát địa phương, nhóm khủng bố đã kiểm soát được trường Beslan 1.

Ngoại trừ vài chục người trốn thoát ngay trong thời khắc đầu và vài người trốn trong phòng tài vụ, mọi người đều bị dồn vào phòng tập thể dục bằng gỗ cứng, có tường sơn màu trắng. Ngay từ đầu, một người đàn ông bị bắn vì không chịu quỳ xuống, một người khác trúng đạn do dịch lời những kẻ bắt giữ con tin sang ngôn ngữ Ossetia. Nhưng dã man hơn, những người đàn ông trưởng thành cho đến cuối ngày hôm sau đã bị giết chết, trừ một người tìm cách nhảy qua cửa sổ cao 5m và may mắn sống sót.

Trong quá trình bị bắt làm con tin, nhóm đàn ông bị súng chĩa vào, bị ép phải phá cửa sổ để ngăn chặn một cuộc tấn công bằng khí gas, như phương cách mà lực lượng đặc nhiệm kết thúc cuộc bao vây nhà hát ở Matxcơva 2 năm trước. Những người còn lại chứng kiến bọn khủng bố kết nối các thiết bị nổ quanh phòng tập. Họ được thông báo rằng nếu một trong những kẻ khủng bố bị bắn, toàn bộ tòa nhà sẽ phát nổ.

Những giờ phút “căng như dây đàn”

Những kẻ tấn công, nhận lệnh từ một người đàn ông có râu mà họ gọi là Đại tá phá hủy tất cả các đường ống và bồn rửa gần đó, để không ai có thể có nước uống. Lúc đầu, chúng cho phép một số người đi vệ sinh, nhưng được ít lâu, chúng cắt luôn khoản đó để đỡ phải theo dõi con tin di chuyển.

Không có nước để uống, hầu hết con tin trở nên yếu dần. Nhiều người bị dồn trong một không gian nhỏ hẹp, không khí ngột ngạt, bức bối khiến họ phải cởi bớt quần áo bên ngoài. Fatima nhớ một phụ nữ bảo cô cởi bộ quần áo mới mặc và đi tiểu vào đó để có nước mà uống.

Những kẻ khủng bố nói với nhà chức trách rằng tất cả con tin đã tuyên bố tuyệt thực cho đến khi yêu cầu của chúng được đáp ứng. Bọn chúng hiểu rằng, sau 2 cuộc chiến, yêu cầu đòi độc lập cho Chechnya sẽ không bao giờ trở thành hiện thực và nhóm khủng bố khó có thể thoát chết. Nhiều người trong số chúng tiêm heroin và uống thuốc kích thích để lấy tinh thần.

Bên trong hội trường, có nhiều tiếng khóc thút thít. Dzerassa Kudzaeva, con gái của Aslan, người đàn ông nhảy ra khỏi cửa sổ, không biết rằng cha mình còn sống nên liên tục hỏi: “Bố đâu rồi? Tại sao bố không ở đây? Ông ấy có chết không?”. Một số người khác cầu xin sự thương xót thả những đứa trẻ nhỏ nhất ra. Vào ngày hôm sau, ngày 2-9, ông Ruslan Aushev, cựu Tổng thống Ingushetia trở thành người thương thuyết để nhóm khủng bố thả 26 bà mẹ đang cho con bú và trẻ sơ sinh của họ. Một phụ nữ từ chối ra ngoài nếu không mang theo được 2 con lớn, vì vậy ông Aushev đích thân bế con nhỏ của người phụ nữ đó ra ngoài. Người mẹ này đã mất vào ngày hôm sau.

Cựu sĩ quan an ninh Nga rơi nước mắt khi trở lại hiện trường vụ khủng bố kinh hoàng ở Beslan ảnh 2Các em nhỏ được giải cứu trong vụ khủng bố bắt giữ con tin ở trường học Beslan đầu tháng 9-2004

Thời khắc quyết định đã đến

Vitali Demidkin, khi đó là Đại tá thuộc Tổ chức Alpha của Cơ quan an ninh quốc gia FSB kể lại, ông nhận được chỉ thị chuẩn bị xông vào phòng thể thao ngay vào ngày đầu tiên xảy ra vụ bắt cóc con tin. Đến ngày 3-9, hàng nghìn người tụ tập bên ngoài vòng vây bảo vệ hiện trường của cảnh sát, nhiều người mang theo vũ khí của riêng họ. Cảnh sát địa phương cũng tham gia bên cạnh lực lượng vũ trang và an ninh, dù hai bên có chuỗi chỉ huy và đầu mối riêng.

Những kẻ khủng bố cũng cảm thấy bế tắc. Thay vì muốn tạo ra sự kiện lớn để gây chú ý, bọn chúng lại bị mắc kẹt cùng với những con tin đang ốm yếu dần và không còn kiên nhẫn chịu lắng nghe yêu cầu của nhóm khủng bố. Sau khi ma túy hết phát huy tác dụng và mấy ngày gần như không ngủ, tinh thần của nhóm khủng bố cũng đi xuống.

Cuối cùng, thời khắc quyết định đã đến. Vào lúc 13h ngày 3-9, hai vụ nổ liên tiếp làm rung chuyển phòng tập thể dục, gây ra vụ tàn sát đối với các con tin. Đó là tai nạn hay là cuộc cãi vã giữa các chiến binh? Liệu có phải phát súng bắn tỉa đã khiến một kẻ bắt giữ con tin mất kiểm soát mà bật công tắc thuốc nổ. Cho đến nay, chuyện gì thực sự đã xảy ra lúc đó vẫn còn chưa rõ vì nhiều lời kể mâu thuẫn.

 Chỉ biết rằng, khi các con tin chứng kiến cảnh người chết la liệt cùng tiếng la hét đau đớn, họ bỗng thấy tường thủng một lỗ đủ lớn để trốn thoát ra ngoài. Hàng chục người bắt đầu lao ra. Một chiến binh xả súng máy vào lưng những đứa trẻ đang chạy trốn. Các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng, một đặc công của FSB đã tiêu diệt kẻ này vào cuối ngày hôm đó.

Lực lượng chức năng vội chớp thời cơ lao vào cùng xe bọc thép, súng phun lửa, lính bắn tỉa, đặc nhiệm… Phần lớn các con tin vẫn ở bên trong, không dám bỏ chạy vì nhóm khủng bố quyết cố thủ. Họ không biết được rằng, binh lính tinh nhuệ đang mở đường đột nhập từ trên mái nhà.

Nỗi day dứt sau 15 năm

Ngôi trường số 1 Beslan giờ đã trở thành khu tưởng niệm các nạn nhân thảm kịch đó. Trở lại nơi đây lần đầu tiên kể từ năm 2004, ông Vitali Demidkin nhớ lại con đường ông đã xuống hành lang trường học. Vào lúc 13h30 chiều hôm đó, mái của phòng tập thể dục cháy nổ, sập xuống giữa những bức tường vẫn còn nguyên vẹn. Phía dưới là hàng trăm người, nhiều người bị thương nặng hoặc quá hoảng loạn.

 “Tôi đã tự mình thoát ra khỏi cái lỗ này. Chúng tôi đi trên nhựa nóng. Xung quanh đây bao phủ bởi xác chết, nhựa nóng, mọi thứ đều tan chảy”, cô bé Dzerassar Kudzaeva nhớ lại. Cơ quan y tế đã không chuẩn bị kịp cho tình huống xử lý rất nhiều nạn nhân cùng một lúc. Vì thế, đó là lúc mà bất cứ ai có mặt, từ các nhân viên y tế, binh sỹ đến nhà báo, dân thường vội vàng lao vào hỗ trợ con tin. Đến 15h30, lực lượng đặc nhiệm đã tiếp cận được phòng tập thể dục, khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở tầng hầm và ở khu nhà bên cạnh. Tổng cộng 334 người đã chết, trong đó có 183 trẻ em, không tính những kẻ khủng bố. Hơn 800 người khác bị thương.

Nhìn những người đang ngắm ảnh người thân đã mất treo tại phòng tập thể dục, ông Demidkin, hiện đã nghỉ hưu, cũng chia sẻ: Chưa một lần ông nhận mình đã làm gì sai hoặc lẽ ra có thể làm khác, nhưng trước các tấm di ảnh, ông không kìm được những giọt nước mắt. “Tôi xin các cháu nhỏ hãy tha thứ, vì không thể cứu tất cả mọi người”.

Có những sự việc dù chỉ diễn ra trong vòng vài giây cũng đủ để gây chấn thương tâm lý, vậy mà những nhân chứng tại trường Tiểu học Beslan khi đó đã chịu áp lực của bọn khủng bố 3 ngày liên tục thì họ sẽ chịu tổn hại đến mức nào. 15 năm trôi qua và lần đầu tiên trở lại hiện trường xảy ra thảm kịch này, cựu sỹ quan an ninh FSB Vitali Demidkin không kìm được những giọt nước mắt: “Tôi xin các cháu nhỏ hãy tha thứ, vì không thể cứu tất cả mọi người”.