Xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm:

Cựu “sếp” Ngân hàng ACB phủ nhận tội lừa đảo

ANTĐ - Hôm qua (21-5), phiên tòa xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ hai với việc làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi kinh doanh trái phép. Không có gì bất ngờ khi cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB phủ nhận mọi cáo buộc.

Bộ ba Công ty ACBI bị cáo buộc tội lừa đảo tại phiên tòa

Lập khống văn bản để làm tin 

Ngày làm việc thứ hai, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Trần Ngọc Thanh cùng Nguyễn Thị Hải Yến – cựu Giám đốc và cựu Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) xoay quanh việc mua bán 20 triệu cổ phần tại Công ty CP Thép Hòa Phát. Bởi trước đó, theo cáo buộc của VKSND TP Hà Nội, ACBI đã thế chấp số cổ phần này cho Ngân hàng ACB. Mặc dù vậy, Nguyễn Đức Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐQT ACBI vẫn chỉ đạo để ngày 21-5-2012, Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần đang thế chấp cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát (Công ty TNHH Thép Hòa Phát) với giá 264 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do Ngân hàng ACB không chấp nhận việc giải tỏa tài sản thế chấp nên đối tác của ABCI không thể trở thành chủ sở hữu số cổ phần đã mua. 

Cũng như giám đốc của mình, trước tòa, Nguyễn Thị Hải Yến khẳng định, bị cáo là người được Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo soạn thảo nghị quyết của HĐQT thể hiện chủ trương bán toàn bộ 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát và biên bản họp HĐQT thể hiện đồng ý bán số cổ phần đã nêu. Vậy nhưng trên thực tế không hề có 2 cuộc họp quan trọng này của HĐQT. Theo lý giải của bị cáo Yến, cả 2 văn bản sau đó được gửi cho tất cả những người liên quan để lấy chữ ký. Khi bị căn vặn về việc không dự họp với vai trò là thư ký, vậy tại sao vẫn ký vào biên bản cuộc họp, bị cáo Yến ấp úng: “Vì theo thông lệ của công ty và tất cả mọi người đã ký vào đó rồi. Bị cáo chỉ là người ký cuối cùng”. Tương tự, Trần Ngọc Thanh cũng xác nhận không hề có cuộc họp HĐQT để thống nhất bán cổ phần cho đối tác. Tuy nhiên, cựu Giám đốc ACBI trình bày thêm, theo điều lệ của công ty trong trường hợp cần phải quyết định một việc gì mà HĐQT không thể tiến hành họp được thì sẽ lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản. Và việc này cũng được coi là HĐQT đã tiến hành cuộc họp.

Những lời khai trên của thuộc cấp Nguyễn Đức Kiên cũng hoàn toàn phù hợp với tài liệu điều tra. Theo đó, sau khi nhận được nghị quyết và biên bản họp HĐQT của ACBI, Công ty TNHH Thép Hòa Phát đã tin tưởng nên mới xúc tiến việc mua bán cổ phần.

Bị hại khẳng định bị lừa 

Để làm rõ hành vi gian dối của Nguyễn Đức Kiên cùng thuộc cấp, hàng loạt cá nhân liên quan đến việc mua bán 20 triệu cổ phần cũng lần lượt được tòa thẩm vấn. Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Thép Hòa Phát cho biết, trong quá trình thương thảo và ký kết hợp đồng, doanh nghiệp này không hề được biết số cổ phần đem ra mua bán đã được ACBI thế chấp tại Ngân hàng ACB. Vì thế sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Thép Hòa Phát đã chủ động chuyển đủ số tiền 264 tỷ đồng vào tài khoản của ACBI. Giải thích lý do tại sao lại chuyển tiền mua bán cổ phần chậm hơn so với yêu cầu trong hợp đồng, đại diện đối tác của ACBI cho biết vì doanh nghiệp khó khăn về tài chính. Do đó, khi có đủ tiền thì công ty mới có thể thanh toán. Trước tòa, đại diện Công ty TNHH Thép Hòa Phát cũng khẳng định không hề bị Nguyễn Đức Kiên hoặc người của ACBI hối thúc việc chuyển tiền.

Về phần mình, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – Trần Đình Long trình bày, bản thân ông và Nguyễn Đức Kiên chơi  thân với nhau vì cùng “mê” bóng đá và đều là người đứng đầu một tập đoàn kinh tế. Thế nhưng trong vụ mua bán cổ phần liên quan đến 2 doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, ông Long không hề được ai nói cho biết về việc 20 triệu cổ phần tại Công ty CP Thép Hòa Phát được đem thế chấp, nhưng sau đó vẫn đưa ra làm đối tượng mua bán. Trước tòa, ông Long khẳng định chính ông là người đề nghị Nguyễn Đức Kiên chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Hòa Phát. Về mối liên hệ giữa các thành viên trong hệ thống, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng các đơn vị độc lập nhau nên không thể biết rõ hoạt động của nhau, ngoại trừ trường hợp lãnh đạo tập đoàn chỉ đạo.

Nguyễn Đức Kiên nói mình vô tội

Là người cuối cùng bị thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng ACB đã phản bác lại hầu hết các lời khai của đồng phạm cùng những người liên quan. Cụ thể, bị cáo cho rằng ban đầu và bản chất vụ mua bán cổ phần này không phải là mua bán đơn thuần mà là hoán đổi cổ phần. Tuy nhiên, sự việc sau đó đã không thành. Nguyễn Đức Kiên thừa nhận, trong quá trình thương thảo ông ta không hề nói cho đối tác biết 20 triệu cổ phần (trong tổng số hơn 22 triệu cổ phần) đã được thế chấp tại ngân hàng. Cắt nghĩa vì sao không nói cho đối tác biết, Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ACBI thế chấp cổ phiếu, Tập đoàn Hòa Phát đương nhiên biết rõ vì chính họ đã ký xác nhận khi công ty dùng nó làm tài sản bảo đảm.

Về các văn bản lập khống, Nguyễn Đức Kiên cho rằng tài liệu này hoàn toàn hợp pháp vì theo điều lệ doanh nghiệp có hai hình thức họp HĐQT, đó là họp trực tiếp và lấy ý kiến bằng văn bản. “Khi ấy với tư cách là Chủ tịch HĐQT, tôi đã yêu cầu cô Yến triển khai cuộc họp bằng văn bản” – cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB khẳng định. Nguyễn Đức Kiên cũng xác nhận, trước khi Trần Ngọc Thanh chính thức ký hợp đồng bán cổ phần, ông ta đã ký “nháy” vào trang cuối của hợp đồng để thể hiện việc thông qua. Xoay quanh nội dung nhận 264 tỷ đồng và chi tiêu hết, ông ta không hề chỉ đạo thuộc cấp chi tiêu khoản tiền 264 tỷ đồng bán cổ phần “ảo” cho đối tác. Việc đó là do kế toán trưởng và giám đốc ACBI tự ý thực hiện theo kế hoạch chi tiêu đã được phê duyệt từ trước. “Chỉ sau khi bị bắt, tôi mới được biết Ngân hàng ACB không chấp nhận việc giải chấp 20 triệu cổ phần của CABI” - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nói.

Trước đó tài liệu điều tra và lời khai của Nguyễn Thị Hải Yến cho thấy, ngay sau nhận được tiền từ Công ty TNHH Thép Hòa Phát, ACBI đã dùng phần lớn số tiền đó để trả lãi Ngân hàng ACB và trả khoản nợ cá nhân của Nguyễn Đức Kiên hơn 7 tỷ đồng. Về hậu quả của hành vi này, đại diện Công ty TNHH Thép Hòa Phát cho biết, mặc dù không sở hữu được số cổ phần đã mua, song ACBI đã trả lại toàn bộ 264 tỷ đồng.                                      

Ngoài tập trung thẩm vấn làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiều qua, HĐXX cũng đã bước đầu xét hỏi cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng những người liên quan xoay quanh hàng loạt hoạt động kinh doanh trái phép tại 6 công ty liên quan. Trong đó, lắt léo và khó hiểu nhất là việc buôn bán vàng thông qua Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, cũng do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT. Đối với hành vi kinh doanh tài chính, bị cáo Kiên cho rằng hoàn toàn hợp pháp vì nó là quyền của mỗi doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện một số cơ quan được triệu tập đến tòa để làm sáng tỏ vấn đề kinh doanh trái phép thì chưa đưa ra được câu trả lời đầy đủ và chính xác. Vì thế hôm nay (22-5), những nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ với sự hiện diện của đại diện một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.