Cựu quan chức cấp cao CIA: Hãy xem lại mình đi, Tổng thống Erdogan!

ANTĐ -Hãng tin Sputnik mới đây trích những lời phân tích của cựu quan chức cấp cao CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ) Graham E. Fuller cho biết, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không dễ bị đánh bại, và nhấn mạnh rằng, lợi ích cá nhân của Tổng thống Erdogan không đồng nghĩa với lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang phải đối mặt với một thực tế “bi thảm” trong chính sách đối ngoại hiện nay. Họ chỉ còn cách lựa chọn: Hoặc tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại hiện nay, hoặc quay lại với chiến lược hòa bình mà trước đó họ đã từng theo đuổi, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) tại CIA Graham E. Fuller nhấn mạnh.

Ông Tayyip Erdogan, khi giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và Tổng thống Syria Assad gặp nhau năm 2012

 "Ankara cần phải làm gì để vượt qua thất bại chính sách đối ngoại hiện nay, một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại? Sự trớ trêu là những người chịu trách nhiệm trực tiếp cho mớ hỗn độn này - đội ngũ Recep Tayyip Erdogan (hiện là tổng thống) và Ahmet Davutoglu (cựu bộ trưởng ngoại giao và bây giờ là thủ tướng) - chính là đội ngũ mà một thập niên trước đây đã có những bước đột phá trong việc tạo ra một chính sách đối ngoại mới, sáng tạo và thành công", Fuller viết trong bài phân tích của mình đăng trên Consortiumnews.

“Dường như không thể tin nổi, Erdogan và Davutoglu đã làm hỏng mối quan hệ với tất cả các nước mà thực sự là những đối tác quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ: Iran, Iraq, Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU, Syria và cộng đồng người Kurd ở Trung Đông. Thay vào đó, Ankara đã thành lập một liên minh đáng ngờ, nguy hiểm và không có tương lai với Saudi Arabia", ông Fuller viết.

Vậy câu hỏi đặt ra là Thổ Nhĩ Kỳ cần phải làm gì để khắc phục tình hình tồi tệ này?

Theo Fuller, trước hết, ông Erdogan nên chấp nhận một sự thật là kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Assad của mình cuối cùng cũng đã thất bại. Thứ hai, Ankara nên nỗ lực chung tay cùng các cường quốc tham gia giải quyết xung đột ở Syria để mang lại hòa bình cho đất nước Trung Đông này, và từ chối “ảo tưởng phi lý" của Riyadh về việc tạo ra một đội quân người Sunni hùng mạnh tiếp quản Damascus. Thay vì kích động người Hồi giáo Sunni trong khu vực, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải quay trở lại với chính sách ban đầu của đất nước, giải quyết ổn thỏa các cuộc xung đột sắc tộc trong khu vực. Không nên thúc đẩy quan hệ chiến lược với Ả Rập Saudi, Ankara nên cải thiện quan hệ với Iran, Iraq và Nga. Và tất nhiên, Ankara phải "ngừng cố gắng kéo NATO vào cuộc đối đầu không khôn ngoan với Nga".

"Thực tế là, việc Moscow tham gia chiến dịch ở Syria đã gặt hái được những thành công nhất định, và gạt bỏ được việc tự do hành động của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ không thể đánh bại Nga về mặt ngoại giao. Hơn nữa, để tiến tới một giải pháp chính trị ở Syria, Moscow thực tế có vị thế tốt hơn Ankara rất nhiều ", Fuller phân tích.

Cựu phó chủ tịch NIC cũng cho biết, phong trào phát triển lớn mạnh của người Kurd ở Trung Đông là một thực tế mà Ankara phải chấp nhận. Ankara cần thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với họ.

Người Kurd ở Trung Đông chiếm tới hơn 30 triệu người, trong đó có khoảng 14 triệu người sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực tế, Ankara vốn có quan hệ không tốt với lực lượng dân quân người Kurd (YPG), khi cho rằng, nhóm này liên quan đến Đảng công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng nổi dậy của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Đối với chính quyền Erdogan, PKK và PYD đều là các lực lượng khủng bố gây nguy hiểm đến sự tồn vong của họ. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng, những gì người Kurd đang đạt được tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập nên một quốc gia cho riêng mình. Vì thế Ankara luôn tìm mọi cách để ngăn cản cũng như tiêu diệt lực lượng này.

Theo Martin Berger, một người vừa là nhà phân tích, vừa là nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đang tiến hành một cuộc chiến tranh để diệt tận gốc lực lượng người Kurd. Nhưng kết quả đem lại là gì? Ankara sẽ rơi vào bối cảnh một cuộc nội chiến mà thôi. Trong một bài báo viết cho New Eastern Outlook, nhà báo này đã lưu ý rằng, nếu không có thay đổi trong chính sách chính trị của đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể bảo vệ biên giới của họ.

"Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự chống lại YPG đang trở thành chủ đề gây tranh cãi, vì các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi YPG là lực lượng hoạt động hiệu quả nhất trong việc chống IS. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã ra sức thuyết phục những người bạn phương Tây của mình rằng, YPG là một tổ chức khủng bố và việc chiến đấu tiêu diệt họ là hợp pháp. Các đồng minh của Ankara dường như không bị thuyết phục bởi ‘câu chuyện hấp dẫn’ của chính phủ của ông Erdogan, mà cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một ‘người gây rắc rối’ trong con mắt của cộng đồng quốc tế”, nhà báo Berger viết và kết luận: “Thực tế, nếu ông Erdogan và Davutoglu không quay lại con đường hòa bình mà hai ông đã theo đuổi trước đây, hai chính trị gia này sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng mà các ông đã gây ra”.