Cứu những mảnh đời bất hạnh

ANTĐ -  “Có cách nào chọn lựa đâu. Cha mẹ cháu vay tiền người ta, cháu phải trả nợ hộ. Cháu có 4 em nhỏ nữa nên phải làm việc để giúp đỡ cha mẹ”, Aslam ngậm ngùi tâm sự về hoàn cảnh của mình. Đó là một phần câu chuyện đời của một cậu bé 13 tuổi người Ấn Độ được giải cứu sau khi phải “bán” sức lao động từ khi 9 tuổi.

Cứu những mảnh đời bất hạnh ảnh 1Trung tâm Mukti Ashram là ngôi nhà an toàn cho những trẻ bị bóc lột sức lao động

Bất ngờ được giải cứu

Cậu bé Aslam 13 tuổi thường thức dậy từ 6h sáng. 15 phút sau, em đã ngồi vào bàn của mình tại một xưởng may ở New Delhi. Trông Aslam vẫn còn ngái ngủ nhưng sắp đến kỳ nghỉ lễ, việc nhiều lên và phải tăng tốc cho kịp tiến độ. Công việc của Aslam tẻ nhạt nhưng đòi hỏi độ chính xác cao – đính kim sa nhỏ lên trang phục nữ. Thực tế, xưởng may này có tất cả 30 trẻ em giống như Aslam thay phiên nhau làm mỗi người 10 đến 12 tiếng mỗi ngày. 

 Hôm ấy, khoảng giữa trưa một ngày tháng 11-2014, Aslam nghe tiếng hét của ông chủ từ bên ngoài: “Chạy mau lên, trốn đi. Cảnh sát tới”. Bọn trẻ bắt đầu chạy, có em trốn sau tủ còn Aslam chui xuống gầm bàn. “Tim cháu đập thình thịch. Cháu không muốn bị cảnh sát đưa đi. Khi họ bước vào, cháu đã khóc. Có người không mặc đồng phục trò chuyện ân cần nhưng cháu biết họ sẽ đưa bọn cháu vào tù”, Aslam kể lại.

Thực tế, cảnh sát đã đột kích xưởng may để giải cứu nhóm trẻ em. Cùng đi với họ là thành viên của Bachpan Bachao Andolan – một tổ chức được ông Kailash Satyarthi – người đoạt giải Nobel Hòa bình 2014 thành lập. Tổ chức này đã giúp giải cứu hơn 80.000 trẻ em bị bóc lột sức lao động trong suốt 30 năm qua. Theo một báo cáo của nhóm nhân quyền Australia, Walk Free Foundation công bố ngày 17-2014, Ấn Độ đang nổi lên là nước có số người sống trong điều kiện nô lệ cao nhất thế giới: 14,3 triệu, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Ngày hôm đó, Aslam và 11 trẻ em khác (số còn lại đã “chạy thoát”) được đưa tới gặp một thẩm phán để lần đầu tiên kể về chuyện đời mình. 

Ăn đòn như cơm bữa

Aslam sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ. Bố là thợ may, mẹ ở nhà nội trợ nên với tư cách là con trưởng trong số 5 anh chị em trong nhà, từ nhỏ Aslam đã làm thêm để đóng góp thu nhập cho gia đình. “Khi lên 9, cháu nghỉ học. Vài tháng sau, bố mẹ vay của một người đàn ông ở Delhi 30.000 rupee (484 USD). Điều kiện trao đổi là cháu đến xưởng may làm việc cho đến khi trả hết nợ. Bố mẹ cháu cũng nghĩ rằng nó sẽ hữu ích vì cháu sẽ có một nghề”, Aslam kể. 

1 năm rưỡi sau, Aslam làm việc lên đến 16 tiếng một ngày để nhận được 100 rupee mỗi tháng (khoảng 1,5 USD). Tiền công được dùng để trả nợ dần. Cậu bé làm việc và ngủ luôn trong xưởng cùng với những đứa trẻ khác và được chu cấp mỗi ngày 3 bữa. Đôi khi, Aslam được phép ra ngoài để mua thức ăn. Có lần em được nghỉ một tuần để về nhà trong dịp lễ hội lớn nhất của người Hồi giáo. “Chúng cháu phải làm việc ngay cả khi bị ốm. Ông chủ sẽ đưa thuốc và luôn thúc giục phải tiếp tục làm việc”, cậu bé kể. Aslam bảo có lần cậu bị lao, phải vào viện kiểm tra, nhưng về nhà thì không được nghỉ làm ngày nào. Mỗi khi công nhân làm không tốt, ông chủ quát tháo, thậm chí đánh cả trẻ em. Vì Aslam làm tốt nên không bị đánh, nhưng em thấy 3-4 bạn khác hay bị chủ cho ăn đòn.

Những tâm hồn non nớt

Sau khi trình bày trước thẩm phán, Aslam và các em khác được đưa đi kiểm tra y tế và chuyển đến Mukti Ashram, một trung tâm dành cho trẻ em được giải cứu ở New Delhi do ông Satyarthi điều hành. Tòa án Ấn Độ quy định rằng trẻ em được giải cứu phải ở lại các trung tâm phục hồi chức năng như Mukti Ashram ít nhất 30 ngày mới được trở về với gia đình. Các em ở đây được phân nhóm, tham gia vào các buổi tư vấn, các hoạt động giáo dục không chính quy và làm quen với thể thao hay nghệ thuật. Mỗi buổi tối, bọn trẻ được xem truyền hình hay tham gia một hoạt động yêu thích. Trong số này có cả những em chưa bao giờ được đến trường nên các em cũng được dạy kỹ năng viết và toán học cơ bản. 

Tuy vậy, chuyện có em trở lại cuộc sống lao động khổ sở như trước không phải hiếm hoi. Những trung tâm như Mukti Ashram đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này. “Chúng tôi có một hệ thống theo dõi chặt chẽ, có nghĩa là chúng tôi trở lại làng quê và theo dõi các trường hợp trẻ em đã được giải cứu để đảm bảo rằng các em không bị bóc lột lao động lần nữa”, bà Aditya Mishra – Giám đốc trung tâm giải thích.

Aslam không nghĩ rằng chuyện đời mình là đặc biệt. Khi được hỏi liệu em có nghĩ rằng những gì xảy ra với mình là bất công, em nhún vai: “Có cách nào chọn lựa đâu. Cha mẹ cháu vay tiền người ta, cháu phải trả nợ hộ. Cháu có 4 em nhỏ nữa nên phải làm việc để giúp đỡ cha mẹ”. Nhưng hiện tại, Aslam đã không còn muốn sống như trong quá khứ nữa. Khuôn mặt cậu bé sáng lên khi kể về những điều cậu đang làm. “Giờ cháu đang học viết. Cháu sẽ làm cho mẹ bất ngờ là cháu đã biết viết”.

Nghĩ về hành trình về nhà, Aslam băn khoăn rằng em muốn đi học nhưng còn các em mình thì sao. “Cháu muốn các em được đi học. Quan trọng nhất là chúng không  phải trải qua những điều giống như cháu”. Dù chưa biết tương lai thế nào nhưng giờ thì Aslam đã hiểu làm việc trước khi đủ 18 tuổi là trái luật.