Cứu người, vô tình dẫn đến tử vong có phạm tội không?

ANTD.VN - Anh Đoàn Trung H. (SN 1987) trên đường đi làm về, khi đi xe máy qua một cây cầu thì bất ngờ phát hiện chị Hoàng Quỳnh T. (SN 1993) đang ngồi trên thành cầu với những biểu hiện định nhảy xuống sông. Cho rằng có khả năng chị Hoàng Quỳnh T. đang có ý định tự tử, anh H. lập tức dừng xe máy xuống đường chạy ra dùng hết sức mình ôm chị T. để kéo lại. Tuy nhiên do lực kéo quá mạnh anh H. đã vô tình kéo chị T. ngã đập gáy xuống mặt đường khiến chị H. bị thương tích nghiêm trọng và sau đó tử vong trong bệnh viện. Vấn đề đặt ra là trong tình huống trên, anh Đoàn Trung H. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? 

Cứu người, vô tình dẫn đến tử vong có phạm tội không? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc 

Không phạm tội

Trong trường hợp này theo tôi đây là “sự kiện bất ngờ” được quy định tại Điều 11, Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi nhìn thấy chị Hoàng Quỳnh T. đang ngồi trên thành cầu có biểu sẽ tự tử, nếu anh H. không ngăn chặn kịp thời thì hậu quả là chị T. có thể nhảy xuống sông.

Việc anh H. kéo chị T. vào là nhằm mục đích để cứu tính mạng chị T. Hậu quả chị T. bị ngã đập đầu xuống đường và sau đó tử vong theo tôi là không thể thấy trước hoặc pháp luật không bắt buộc anh H. phải thấy trước mà do hoàn cảnh khách quan tác động vào hành vi của anh H. Do vậy, trong trường hợp này, anh H. không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đỗ Quang Anh (Đan Phượng - Hà Nội)

Vô ý làm chết người

Trong tình huống trên, anh Đoàn Trung H. kéo chị Hoàng Quỳnh T. với mục đích nhằm giúp chị T. tránh được nguy hiểm khi nhảy xuống sông. Tuy nhiên, ngoài dự tính là hành động cứu người của anh H. đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chị T. Vì vậy trong trường hợp này, anh H. đã có lỗi thể hiện ở việc anh đã đánh giá không đúng tình hình thực tế, khi thực hiện việc kéo chị T. ra khỏi thành cầu.

Trong trường hợp này anh H. buộc phải thấy trước hậu quả nguy hại có thể xảy ra, đó là hành vi kéo chị .T về phía sau có thể sẽ gây thương tích cho chị T. nhưng anh H. vẫn làm. Anh H. đã quá tự tin khi đánh giá và lựa chọn hành động khiến cho hậu quả nguy hại đã xảy đến và làm cho chị T. bị thương tích nặng sau đó tử vong. Anh H. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, sự vượt quá giới hạn này xuất phát từ động cơ, mục đích tích cực, vì vậy được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hoàng Anh Phương (Quỳnh Lưu - Nghệ An)

Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc này, có thể thấy anh Đoàn Trung H. cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. Về hành vi, anh H. kéo chị T. với mục đích cứu người nhằm giúp chị T. tránh được nguy hiểm có thể xảy ra ngay lập tức. Tuy nhiên, ngoài dự tính là hành động cứu người của anh H. đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chị T.

Với tình huống này để xác định anh Đoàn Trung H. có phạm tội hay không cần phải được làm rõ một số vấn đề sau. Thứ nhất, trong tình huống trên, tình huống của anh H. có phải là “sự kiện bất ngờ” được quy định tại Điều 11, Bộ luật Hình sự hay không? Thứ hai, hành vi của anh H. có phải là thuộc trường hợp “tình thế cấp thiết” được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không?  

Về trường hợp thứ nhất, Điều 11, Bộ luật Hình sự hiện hành về “sự kiện bất ngờ” có quy định: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, trong trường hợp này anh H. không phải đang trong trường hợp “không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó” bởi chị T. bị ngã dẫn đến tử vong là lỗi vô ý của anh H.

Theo khoa học về pháp luật hình sự thì có 2 loại vô ý đó chính là vô ý cẩu thả và vô ý tự tin. Vô ý cẩu thả tức là người thực hiện hành vi không thấy được hậu quả sẽ xảy ra, mặc dù phải thấy được điều đó, hoặc có thể thấy được điều đó. Còn vô ý tự tin tức là người thực hiện hành vi đã thấy trước được hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây nguy hại cho xã hội, cá nhân khác nhưng lại tự tin là hậu quả đó sẽ có thể ngăn chặn được, thậm chí tự tin rằng sẽ không xảy ra. Trong tình huống này, anh H. đã có lỗi vô ý cẩu thả.

Trong vấn đề thứ hai, hành vi của anh H. có phải là thuộc trường hợp “tình thế cấp thiết” được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không? Điều 16, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Điều 23, Bộ luật Hình sự năm 2015) có quy định về tình thế cấp thiết như sau: 

“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, quy định trên đây cho thấy việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa không bị coi là tội phạm. Đồng thời người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

- Phải có sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức khắc:

Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: các hiện tượng thiên nhiên, cũng có thể phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, do sự tấn công của súc vật trong một hoàn cảnh đặc biệt, buộc phải gây thiệt hại để bảo vệ một lợi ích lớn hơn.

- Việc gây thiệt hại ðể tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất:

Điều kiện này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán thật chính xác và nhanh chóng khả năng đe dọa ngay tức khắc của sự nguy hiểm, nếu không chọn phương pháp gây thiệt hại thì tất yếu không thể tránh được thiệt hại lớn hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đánh giá sự lựa chọn của một người không phải dễ dàng, bởi vì, nếu không lựa chọn ngay phương pháp gây thiệt hại thì không tránh khỏi một thiệt hại khác lớn hơn. Thông thường khi tình thế cấp thiết xảy ra, không phải ai cũng bình tĩnh để suy xét xem chọn giải pháp nào cho phù hợp, nhiều người mất bình tĩnh đã vội vã gây thiệt hại rồi sau đó viện lý do để trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, khi đánh giá một hành vi gây thiệt hại có thuộc trường hợp trong tình thế cấp thiết hay không và phương pháp mà người có hành vi sử dụng có phải là phương pháp duy nhất không, phải căn cứ vào tình hình cụ thể lúc xảy ra sự việc, đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Nếu còn biện pháp khắc phục sự nguy hiểm và việc gây thiệt hại là không cần thiết, thì không thuộc tình thế cấp thiết.

- Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh:

Trong tình thế cấp thiết, thiệt hại do người có hành vi trong tình thế cấp thiết gây ra chủ yếu là thiệt hại về tài sản và người bị gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết lại không phải là người có hành vi gây ra sự nguy hiểm đe dọa gây ra thiệt hại cho xã hội mà là người khác. Về nguyên tắc, luật hình sự nước ta không thừa nhận thiệt hại về tính mạng trong tình thế cấp thiết.

Thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết bao giờ cũng phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh. Tuy nhiên, khi đánh giá so sánh giữa hai loại thiệt hại cũng cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, bởi vì, thiệt hại gây ra là có thật còn thiệt hại muốn tránh lại chỉ là những cái có thể xảy ra hoặc tất yếu sẽ xảy ra nếu không được ngăn chặn. Vì vậy, pháp luật quy định trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp của vụ việc này, có thể được xem là “tình thế cấp thiết”, thế nhưng, hành vi của anh H. là vội vàng, mất bình tĩnh, dẫn đến hậu quả đối với chị T. là rất nghiêm trọng. Hậu quả do anh H. gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu không có hành vi của anh H., thì có thể thiệt hại cũng chưa chắc xảy ra bởi chị T mới chỉ đang có biểu hiện ngồi trên lan can cầu.

Nếu nhận định chị T. có ý định tự tử, anh H. có thể dùng lời nói của mình để thuyết phục chị T. từ bỏ ý định tự tử. Vì vậy, trong trường hợp này, thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, nên anh H. phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, anh H. vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 98, Bộ luật Hình sự và được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết”.