Huyền tích Tây hồ 8:

Cứu “Nàng Tây thi” của Hà Nội, muộn còn hơn không

ANTĐ -Không giới hạn ở thắng cảnh, hồ Tây còn là huyệt đạo thiêng. Bao bọc nó là hàng chục điểm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tọa lạc, ở mỗi chốn linh thiêng bên hồ đều cung kính thờ phụng thủy thần như một vị chúa của hồ Tây.

Huyệt đạo thiêng ở phía Tây Hà Nội

Một câu chuyện thật đến khó tin tưởng như đã rơi vào quên lãng, song đến nay vẫn được các cụ cao niên trong làng Trích Sài, làng Hồ quanh hồ Tây nhớ như in và thường xuyên khuyên nhủ con cháu rằng, đừng coi hồ Tây như cái ao làng, nếu không sẽ phải gánh chịu báo ứng.

Nhà chùaTrấn Quốc làm lễ nhập tượng

Ông Vũ Văn Luân, người làng Hồ Khẩu, phường Bưởi chuyên nghiên cứu về hồ Tây bảo, những con cá to cỡ nửa tạ xưa kia người dân bắt được ở hồ mà nhiều người gọi là “thủy quái” là chuyện bình thường. Bởi hồ Tây xưa cá rất to và rất nhiều. Cách đây khoảng chục năm, công ty khai thác thủy sản hồ Tây còn lưu giữ được tiêu bản cá trắm đen nặng đến nửa tạ, nó được trưng bày tại trụ sở cạnh hồ Tây phía đường Lạc Long Quân. Tuy nhiên, sau nhiều lần di chuyển trụ sở, giờ không rõ tiêu bản ấy “biến” đâu mất.

Những câu chuyện thực hư ghi được xung quanh về hồ Tây đều ẩn chứa điều gì khó lý giải. Chuyện cá to thì do nuôi thả lâu năm sẽ có. Song, có những điều kỳ lạ thật khó lý giải, mà dân gian thường bảo ở hồ Tây rất thiêng, thì quả chỉ có người trong cuộc gặp phải mới thấy hết nỗi sợ hãi... “Tiết trời hôm đó rất bình thường, mặt hồ tĩnh lặng, một đoàn nghệ thuật được phép ra biểu diễn trên mặt hồ. Được một lúc thì thời tiết thay đổi bất thường, không phải mùa mưa bão nhưng mây vần vũ, sóng gió hồ Tây dâng lên cuồn cuộn. Cơn thịnh nộ của trời đất thủy thần chỉ trong chốc lát đã cuốn chìm cả tàu chở du khách làm 9 người thiệt mạng, còn lại khoảng 30 người thoát chết...”- Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Viêt Nam, đồng thời trụ trì chùa Trấn Quốc, kể lại câu chuyện xảy ra vào những năm 50 của thế kỷ trước mà giờ vẫn gây bàng hoàng cho nhiều người.

Con nước hồ Tây đôi khi rất đỏng đảnh, dữ dội

Sự thật khó lý giải về cuộc nổi giận của thiên nhiên hồ Tây khi ấy đã làm cho người biết đến hoảng sợ. Có nhiều ý kiến đưa ra khi ấy, thuận chiều cũng có, trái chiều cũng có, còn người dân gắn bó với hồ Tây thì phần nhiều thiên về tín ngưỡng, họ cho rằng, chắc ai đó động chạm vào long mạch của hồ thiêng làm cho thủy thần phải nổi giận. Rồi họ đồ rằng, kẻ nào đó đã biết được hồ Tây là nơi thủy thiêng đã cố tình tìm cách yểm trấn để làm lụi tàn sự hưng thịnh của vùng đất phía Tây của Hà Nội ngàn năm văn hiến...

Không ai ngăn cản được sự suy đoán của người dân yêu mến những giá trị có thật của hồ Tây, bao đời họ gắn bó với hồ Tây. Chính vì vậy, sự trùng khớp của hiện tượng thiên nhiên xảy ra trên mặt nước hồ Tây lại càng được khẳng định thêm những giá trị thiêng liêng sẵn có trong suy nghĩ của người dân khi ấy.

Ngọn bảo tháp soi bóng bên hồ Tây linh thiêng

Theo thuyết phong thủy, hồ nước không chỉ có giá trị về mặt điều hòa không khí, môi trường thiên nhiên mà còn để cân bằng giữa thủy và thổ, âm và dương. Đối với hồ Tây, nguồn nước như sợi dây vô hình nối thế giới tâm linh và thực tại. Lặng lẽ bao năm qua, với tâm đức hướng thiện của đạo Phật, Thượng tọa Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc đã luôn ra mặt nước giữa hồ Tây linh thiêng để cầu quốc thái dân an, thả đèn hoa đăng vào tuần rằm mồng Một, ngày lễ...

“Nhà chùa làm việc này duy chỉ mong một điều cầu cho trời, đất giao hòa, cầu quốc thái dân an, cầu cho cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc... Hồ Tây không chỉ có giá trị về thắng cảnh thiên nhiên mà còn có giá trị đặc biệt về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Đây còn là huyệt đạo thiêng của phía Tây Hà Nội”. Thượng tọa Thích Thanh Nhã, khẳng định.

Chuyện về ngọn bảo tháp và 66 pho tượng A di đà bằng đá quý.

Từng đàn cá bơi đầy sân, cá vùng vẫy dưới chân tượng phật trong chùa như câu chuyện thần tiên mà lại có thật. Đó là vào thời điểm năm 2001, lần đầu tiên trong lịch sử chùa Trấn Quốc bị úng ngập trong thời gian lâu nhất trong lịch sử.  Sự kiện này xảy ra sau khi Đại lão, Hòa thượng Kim Cương Tử, trụ trì chùa Trấn Quốc viên tịch được ít thời gian. Khi ấy ngôi chùa đã chìm trong biển nước mênh mông của hồ Tây, ngập gần nửa mét tường chùa. “Rắn rết ở hốc cây, chậu cảnh bò hết cả vào quanh màn nơi tôi ngủ. Nước ngập lâu quá, việc làm lễ cũng phải bắc ghế kê cao để làm”.-Thượng tọa Thích Thanh Nhã nhớ lại.

Những công trình mọc lên cao làm nơi tâm linh như bị nhấn chìm bởi kiến trúc bề thế

Chùa Trấn Quốc đã có bề dày lịch sử 1500 năm. Đến nay,  công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh này đã có nhiều lần được tu bổ, tôn tạo, song vẫn giữ nguyên giá trị vốn có của nó. Sử sách vẫn còn ghi, chùa Khai Quốc có từ thời Lý Bí, thuở sơ khai tọa lạc ở phía ngoài đê sông Hồng, sau đó do sự biến đổi của tạo sơn, người dân làng Yên Hoa mà nay là làng Yên Phụ đã cùng nhà chùa di chuyển vào vị trí bên hồ Tây. Sở dĩ, nơi chọn nơi này tọa lạc là bởi đây từng là Cung thủy hoa, chốn du sơn, du thủy của vua chúa thời bấy giờ...

Giờ đây, vườn tháp uy nghiêm vẫn ngả bóng nước hồ Tây tạo nên cảnh quan kỳ thú cho Hà Nội. Chuyện về ngọn bảo tháp có 66 pho tượng phật A di đà bằng đá quý hướng ra 66 ô cửa hình cánh sen không chỉ tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan và uy nghiêm của chùa Trấn Quốc mà nó còn mang giá trị tín ngưỡng của Phật pháp. Tuy nhiên, trong thời gian thi công bảo tháp, nhiều người hiểu chưa hết đã đưa ra những luồng ý kiến khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Thắng cảnh chùa Trấn Quốc

Thượng tọa trụ trì chùa Trấn Quốc cho biết, theo thuyết phong thủy, công trình kiến trúc do con người làm ra cho nên bao giờ cũng  phải tìm ra được sự hài hòa của thiên nhiên, vạn vật. Xưa kia chùa Trấn Quốc tọa lạc trên đảo ngọc cao nổi trên mặt nước hồ Tây, xung quanh chỉ có cây tỏa bóng mát chứ không bị che bởi vật tự tạo như hiện có. Sự biến đổi, sự phát triển là điều đáng mừng nhưng cũng lại là điều chưa hẳn đã tốt khi nó làm phá vỡ không gian tín ngưỡng, tâm linh...Và theo Thượng tọa Thích Thanh Nhã, ý nghĩa sâu xa của bảo tháp cao 11 tầng mới được xây là để lấy lại cân bằng do con người tác động. Để xây ngọn bảo tháp nhà chùa cũng phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước và những điều cần làm trong Phật pháp. 

Bằng trực quan chúng ta cũng có thể thấy được, những công trình kiến trúc bao quanh hồ Tây giờ mọc lên án ngữ hết không gian đền chùa bên hồ. Đặc biệt, ở gần chùa Trấn Quốc có những công trình cao ngất án ngữ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chốn tâm linh, tín ngưỡng có bề dầy lịch sử. Và ngọn bảo tháp được dựng lên được ngầm hiểu, theo thuyết phong thủy đó là cách để nhà chùa lấy lại sự cân bằng mà con người phá vỡ.

Đón đọc bài 9: Kình ngư hồ Tây mang "vàng" về nước Việt